Theo thông tin công bố tại đại hội đồng cổ đông, nếu được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (mã chứng khoán VPB) sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt. Theo đó, ngân hàng này sẽ chia cổ tức tiền mặt với tỉ lệ 10% dự kiến trong quý II, III năm nay (1.000 đồng/cổ phiếu). Với hơn 6,7 tỉ cổ phiếu lưu hành, số tiền dự chi là hơn 6.700 tỉ đồng.
Ông Ngô Chí Dũng - Chủ tịch hội đồng quản trị - nắm giữ hơn 328 triệu cổ phiếu VPB. Vợ ông là bà Hoàng Anh Minh sở hữu hơn 326 triệu cổ phiếu. Ước tính nếu được trả cổ tức, hai người sẽ nhận được 654 tỉ đồng tiền cổ tức. Còn mẹ ông Dũng là bà Vũ Thị Quyên sẽ thu về hơn 325 tỉ đồng cổ tức.
Ông Ngô Chí Dũng cho biết: "Trong kế hoạch 5 năm phát triển, chúng tôi có chiến lược chia cổ tức tiền mặt 5 năm liền. Với nền tảng vốn có hiện nay có đủ để duy trì tăng trưởng cao trong 5 năm, đủ để được phép chia cổ tức bằng tiền mặt trong phạm vi 30% lợi nhuận hàng năm".
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc Tế Việt Nam (mã chứng khoán VIB) sẽ chia cổ tức năm 2022 với mức tối đa 15% cổ tức tiền mặt và 20% cổ phiếu thưởng. Lần gần nhất VIB trả cổ tức tiền mặt là năm 2018 với 567 đồng/cổ phiếu. Như vậy với hơn 2 tỉ cổ phiếu đang lưu hành, số tiền cổ tức dự chi tối đa của VIB có thể đến 3.000 tỉ đồng.
Ước tính Chủ tịch hội đồng quản trị Đặng Khắc Vỹ cùng vợ là bà Trần Thị Thảo Hiền và con trai Đặng Quang Tuấn có thể nhận được hơn 460 tỉ đồng từ hơn 311 triệu cổ phiếu đang sở hữu.
Sau 7 năm, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt trở lại với phương án 10% bằng tiền mặt (thực hiện trong năm 2023) bên cạnh 15% bằng cổ phiếu. Chủ tịch hội đồng quản trị Trần Hùng Huy sẽ nhận được khoảng 115 tỉ từ cổ phần của mình.
Ngân Hàng TMCP Tiên Phong (mã chứng khoán TPB) thông báo phương án chi trả cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2023 với tỉ lệ 25%, tương ứng 2.500 đồng/cổ phiếu. Thời gian chi trả dự kiến trong quý I. Qua đó, nhóm cổ đông gia đình Chủ tịch Đỗ Minh Phú có thể "bỏ túi" hơn 490 tỉ đồng cổ tức (không tính phần ông Phú đại diện sở hữu cho DOJI).
Hình thức chia cổ tức bằng tiền mặt bắt đầu bị Ngân hàng Nhà nước thắt chặt từ năm 2020 nhằm dành nguồn lực xử lý các khoản nợ xấu, trái phiếu VAMC và phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Trong bối cảnh dịch bệnh đã qua đi, nền kinh tế đang hồi phục trở lại, NHNN không còn mạnh tay siết chặt việc chia cổ tức của các ngân hàng.