Hệ thống điện Việt Nam có quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á
Tọa đàm “Chiến lược và Hợp tác thúc đẩy Chuyển đổi Năng lượng cho Việt Nam” ngày 22.6, ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Năng lượng và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, thống kê cho thấy, giai đoạn 2011-2020, điện thương phẩm của Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng bình quân là 9,6 %/năm.
Dự kiến giai đoạn 2021-2030, mức tăng trưởng điện thương phẩm bình quân sẽ đạt 8,52% ở kịch bản cơ sở và 9,36% ở kịch bản cao.
Tính đến hết năm 2021, công suất hệ thống điện của Việt Nam đã đạt khoảng 76.620 MW; trong đó, thuỷ điện đạt 22.111 MW, nhiệt điện than là 25.397MW, nhiệt điện khí là 7.398MW, công suất điện năng lượng tái tạo đạt khoảng 21.100 MW.
“Hệ thống điện Việt Nam có quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đủ đáp ứng cho nhu cầu điện phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.
Tuy nhiên, để đạt các mục tiêu về phát triển kinh tế xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, Chính phủ Việt Nam đã và đang đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi ngành năng lượng theo tinh thần phát huy nội lực, đồng thời tăng cường sự hợp tác, hỗ trợ từ các đối tác phát triển.
Trong đó, đã giảm dần nguồn điện sử dụng nhiên liệu hoá thạch, ưu tiên phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới và sạch" - ông Hoàng Tiến Dũng nói.
Cần bao nhiêu tiền để chuyển đổi năng lượng?
Trả lời câu hỏi việc tăng trưởng nhanh chóng nguồn đã gây ra những thách thức như thế nào cho công tác vận hành hệ thống lưới, ông Nguyễn Tài Anh - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, thách thức này không chỉ xảy ra với Việt Nam mà còn với các hệ thống điện trên thế giới.
Chúng ta có những chia sẻ từ cách làm của các nước, ví dụ như nước Đức, họ đã đẩy mạnh công tác truyền tải, tuy nhiên, chi phí rất lớn.
Do đó, đại diện EVN kiến nghị, trước hết cần có chủ trương chính sách để triển khai chương trình sao cho hiệu quả và tối ưu.
“Chúng ta đã có Ban chỉ đạo nhà nước về vấn đề này và trong thời gian ngắn các Bộ ngành sẽ được giao nhiệm vụ và các đơn vị sẽ triển khai sớm”, ông nói.
Vấn đề thứ hai, theo lãnh đạo EVN, để chuyển đổi năng lượng thành công thì công nghệ và tài chính là rất quan trọng. Việt Nam cần 14 tỉ USD mỗi năm để tiến hành chuyển đổi năng lượng.
“Nếu có sự hỗ trợ của các tập đoàn về công nghệ như GE Việt Nam và nguồn tài chính từ các tổ chức quốc tế, mục tiêu dịch chuyển năng lượng của Việt Nam để đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã cam kết tại COP26 là hoàn toàn có thể đạt được”, ông Tài Anh cho hay.
Về vấn đề chính sách, cơ chế, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang xây dựng các lộ trình, chính sách để làm sao đạt hiệu quả nhất, để chuyển dịch năng lượng thành công với chi phí thấp nhất.
Ông Nguyễn Thái Hà - Tổng giám đốc Công ty CP Năng lượng thuộc Tập đoàn T&T cho rằng, việc chuyển đổi năng lượng đòi hỏi sự đầu tư về công nghệ với nguồn vốn rất lớn, do đó, cần sự tham gia tham gia của nhiều bên.
Theo đó, để thu hút đầu tư, ông Hà chia sẻ, doanh nghiệp cần có sự đảm bảo về chính sách liên tục, dài hạn, một cam kết ổn định. Các chính sách cần cụ thể hơn trong việc huy động vốn của các tổ chức nước ngoài, đơn giản nhất là hợp đồng mua bán điện.
”Chúng tôi rất cần các quy hoạch về tổng thể không gian biển, các hướng dẫn chi tiết về lắp đặt, khảo sát, đo gió”, ông nói.