Sản lượng phập phồng, chi phí gần gấp đôi
Trở về sau chuyến biển nhiều ngày, thuyền trưởng Lê Minh Tiến (thị trấn Gành Hào huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) cho biết, khó bù đủ chi phí do giá dầu tăng cao, lượng cá thu được ít hẳn so với nhiều chuyến biển trước.
Theo ông Tiến, sản lượng khai thác trong những năm gần đây giảm hẳn, nguồn lợi thủy hải sản ngày càng ít đi, ngư dân luôn trăn trở mỗi khi xuất bến vì sợ thu không bù chi cho các chuyến biển.
Ông Đặng Quốc Thùy - ngư dân thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải - phân tích: “Lúc trước, chi phí khoảng 100 triệu thì bây giờ phải tăng lên đến gần gấp đôi. Chưa kể việc khai thác không hề dễ dàng, cá tôm thì ít hơn trước đây”.
Cùng với chi phí đầu tư cho các chuyến biển tăng cao, ngư dân lo lắng bởi thời điểm hiện nay đang vào mùa mưa bão, nếu chuyến biển ra khơi không thuận lợi, tàu thuyền buộc phải quay vào bờ xem như mất trắng chi phí.
Bạc Liêu là địa phương có nghề khai thác thủy sản phát triển khá mạnh, trung bình mỗi năm khai thác trên 100.000 tấn. Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, toàn tỉnh hiện có trên 800 chiếc tàu cá đăng ký, đăng kiểm (tổng công suất hơn 202.000 CV; tổng số thuyền viên gần 5.400 người), số tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên 446 chiếc. Sản lượng khai thác hiện đạt trên 41.000 tấn.
Tuy nhiên, trước sức ép của chi phí khai thác ngày càng tăng, trong khi giá cả của các loại thủy hải sản ngày càng thấp càng khiến ngư dân gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều chủ tàu và ngư dân dù không mong muốn nhưng cũng đành neo tàu nằm bờ.
Còn nhiều bất cập
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, trong thời gian qua, do giá nhiên liệu tăng, cùng với thời tiết trên biển diễn biến phức tạp nên hiệu quả khai thác thủy sản của các đội tàu giảm đáng kể, chỉ 40 - 60% số tàu hoạt động hiệu quả, còn lại chỉ hòa vốn và lỗ phí, một số phải tạm ngưng hoạt động, hiệu quả một số nghề khai thác như nghề lưới cá khoai, lưới tôm...
Cùng đó, ngành khai thác thủy sản của tỉnh đã và đang đối mặt với khá nhiều tồn tại, bất cập và thách thức như: Chưa có quy hoạch khai thác thủy sản cụ thể cho từng vùng biển theo nhóm nghề nên cơ cấu nghề, vùng khai thác chưa hợp lý; năng lực tàu khai thác còn hạn chế, công suất thấp, ngư cụ khai thác lạc hậu, chậm đổi mới; tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, khai thác thủy sản bằng nghề, ngư cụ cấm, hoạt động khai thác sai vùng… đã làm suy giảm nghiêm trọng nguồn lợi thủy sản.
Mặt khác, việc đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá, năng lực khai thác thác thủy sản xa bờ còn hạn chế chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh; tổ chức sản xuất khai thác mang tính nhỏ lẻ, tự phát chưa có sự liên kết và hợp tác trong sản xuất; công nghệ bảo quản sản phẩm sau thu hoạch trên tàu lạc hậu, chậm đổi mới, tổn thất sau thu hoạch lớn, hiệu quả sản xuất thấp.
Để phát triển khai thác thủy sản bền vững và trách nhiệm, tỉnh Bạc Liêu triển khai chương trình hiện đại hóa tàu cá phù hợp với từng loại nghề đảm bảo tính khả thi và hiệu quả; thực hiện chuyển đổi đối tượng, mùa vụ, ngư trường khai thác theo hướng đẩy mạnh khai thác hải sản xa bờ; tập trung khai thác các loài hải sản có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ tốt gắn với xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm khai thác; đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu có sản lượng ổn định…