Mặc dù giá tăng phi mã nhưng thanh khoản của cổ phiếu THS rất thấp, chỉ ở mức vài ngàn cổ phiếu/phiên. Nhiều phiên, cổ phiếu này chỉ khớp đúng 100 đơn vị.
Trước khi ghi nhận mức tăng kinh ngạc này, cổ phiếu THS chỉ loanh quanh ở mức giá 6.200 đồng/cổ phiếu trong suốt 2 năm và gần như không có thanh khoản.
THS hiện có vốn điều lệ 30 tỉ đồng và hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, bán buôn các mặt hàng tiêu dùng như sứ Hải Dương; nhựa Đại Đồng Tiến, Duy Tân; đồ nội thất Hòa Phát, Xuân Hòa; các thiết bị điện tử, điện lạnh;… Bên cạnh đó, THS còn cho thuê mặt bằng kinh doanh gồm 1 siêu thị và 1 trung tâm thương mại đặt tại Thanh Hóa.
Hiện, các cổ đông lớn đang nắm giữ vốn tại THS là Chủ tịch HĐQT - ông Trương Vạn Thành (10,6%), Tổng Giám đốc kiêm Thành viên HĐQT – ông Nguyễn Thanh Hải (8,33%), hai Phó Tổng kiêm Thành viên HĐQT là ông Lê Văn Tường (7,78%) và bà Chu Thị Hòa (7,41%), ông Lê Anh Tuấn nắm 9,94% vốn từ 13.4.2021; bà Nguyễn Thị Thanh Thủy nắm 7,08% vốn từ 28.4.2021.
Kết quả kinh doanh của THS không có gì ấn tượng. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, THS đặt mục tiêu lãi sau thuế gần 3 tỉ đồng, giảm 20% so với mức thực hiện trong năm 2020.
Kết thúc quý I/2021, THS ghi nhận hơn 69 tỉ đồng doanh thu thuần. Tuy nhiên, lãi ròng của công ty giảm gần 45% so với cùng kỳ, chỉ đạt 389 triệu đồng do chi phí quản lý trong kỳ tăng đáng kể.
Đáng chú ý, tổng tài sản của THS tại thời điểm 31.3.2021 tăng 49% so với đầu năm, lên hơn 114 tỉ đồng, chủ yếu do các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho lần lượt tăng 89% và 80%, lên mức 21 tỉ đồng và 61 tỉ đồng.
Tại ngày 31.3.2021, nợ phải trả của THS ở mức 78 tỉ đồng, cao gấp đôi so với đầu năm.