Thị trường đã có 2 tuần điều chỉnh liên tiếp sau 4 tuần tăng điểm. Chỉ số VN-Index điều chỉnh khi chạm ngưỡng kháng cự trung bình 200 tuần. Trong phiên cuối tuần trước, VN-Index tiếp tục lùi bước và đóng cửa gần mức điểm thấp nhất phiên. Tín hiệu đáng chú ý là thanh khoản hiện đã xuống rất thấp, phiên cuối tuần qua cũng là 1 trong 2 phiên kể từ đầu năm tổng thanh khoản toàn thị trường dưới mức 10.000 tỉ đồng.
Về kỹ thuật, VN-Index đang có vùng hỗ trợ 1.049-1.052 điểm, trong kịch bản vùng hỗ trợ này bị xuyên thủng sẽ kích hoạt lực bán từ hoạt động cắt lỗ. Thanh khoản xuống thấp cho thấy nhà đầu tư đang thận trọng, thị trường có thể chiết khấu rủi ro phía trước, trong bối cảnh không có thông tin hỗ trợ ở thời điểm hiện tại.
Dòng tiền nội đang thận trọng là nguyên nhân chính trong nhịp điều chỉnh giảm 2 tuần qua, kể từ đỉnh ngắn hạn của chỉ số Vn-Index. Sự lưỡng lự của khối nhà đầu tư nội chủ yếu tới từ các nguyên nhân đó là kết quả kinh doanh quý 4 của các doanh nghiệp có sự phân hóa rõ nét và nghiêng nhiều về gam tối màu, do đó các cơ hội đầu tư sẽ mang tính chọn lọc và cần phải thận trọng xem xét kỹ lưỡng.
Mặt bằng lãi suất hiện vẫn đang duy trì ở vùng cao, vì vậy dòng tiền sẽ có xu hướng tìm tới các kênh đầu tư có mức độ an toàn cao hơn. Trong khi đó, khối ngoại đã mua ròng với quy mô lớn, giá trị tới 30.000 tỉ đồng kể từ tháng 11.2022 đến tháng 1.2023 tương ứng bình quân mua ròng 500 - 600 tỉ đồng mỗi phiên, làm gia tăng áp lực chốt lời.
Vì vậy, theo ý kiến nhiều chuyên gia cho rằng trạng thái lình xình vẫn có thể xuất hiện trong tuần sau và điều này sẽ giúp cung-cầu thị trường cân bằng hơn trong thời gian tới. Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam cho rằng tình trạng lình xình đi ngang như hiện nay có thể sẽ còn tiếp diễn, đặc biệt áp lực giảm ngắn hạn vẫn còn cao.
Trong ngắn hạn, vùng hiện tại vẫn chưa đủ hấp dẫn dòng tiền quay trở lại, trong khi đó xu hướng mua ròng của khối ngoại có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại cho nên thị trường ít có động lực tích cực trong ngắn hạn. Thời gian qua, các quỹ ETF liên tục huy động ròng, đây là yếu tố tích cực hỗ trợ thị trường trong ngắn và trung hạn, nhưng lượng huy động ròng này cũng không ảnh hưởng đáng kể đến diễn biến thị trường do quy mô thanh khoản thị trường hiện này là khá cao.
Hy vọng xu hướng mua ròng của khối ngoại sẽ vẫn tiếp tục duy trì trong 1/2 giai đoạn năm 2023 cũng sẽ sớm kích thích dòng tiền nội tham gia thị trường tích cực trở lại giai đoạn cuối năm. Các quỹ đầu tư theo chỉ số cũng đang cho thấy sự quan tâm đến các cổ phiếu lớn của Việt Nam đang bị định giá thấp.
Theo nhận định của CTCK DSC, diễn biến rung lắc còn kéo dài sang tuần sau, do xu hướng điều chỉnh trùng khớp với thời điểm đáo hạn hợp đồng tương lai chỉ số VN30 là VN30F2302. Tuy nhiên, nhà đầu tư nên chủ yếu hành động dựa trên phản ứng của giá của cổ phiếu và chỉ số, không nên dựa vào các dự báo.
Trên biểu đồ giá trị mua ròng của khối tổ chức nước ngoài và tương quan với VNIndex, có thể thấy rõ nhóm ngoại ưu tiên mua gom khi VNIndex điều chỉnh sâu về vùng 1.000 điểm. Tuy nhiên, chỉ 2 phiên dừng mua ròng hay việc huy động thêm 100 triệu USD không không phản ánh sự thay đổi quan điểm của nhóm nhà đầu tư lớn như khối ngoại, nhà đầu tư cần bình tĩnh quan sát xu hướng vận động dòng tiền dài hạn hơn. Ngoài ra, trong trường hợp Index kéo dài đà giảm về vùng hỗ trợ 1.000 điểm, thị trường Việt Nam nhiều khả năng sẽ hấp dẫn dòng tiền ngoại hơn nữa.