Nhóm ngành ngân hàng đóng vai trò then chốt
Với mức vốn hóa lớn, áp đảo, mức tăng giá của cổ phiếu nhóm ngành ngân hàng đã đóng vai trò then chốt giữ được đà tăng cho chỉ số VN-Index trong giai đoạn gần đây. Chỉ xét riêng các cổ phiếu ngân hàng nằm trong nhóm VN30, ngoại trừ cổ phiếu của hai ngân hàng thuộc nhóm “big 4” là BIDV và Vietcombank thì các mã cổ phiếu còn lại đều đã cho dấu hiệu tăng nóng.
Theo số liệu thống kê thì tính từ thời điểm ngày 1.4 cho tới nay, có tới 7 trong số 9 cổ phiếu ngân hàng trong rổ VN30 đã có mức tăng trên 20%.
Đơn cử như, cổ phiếu STB của một ngân hàng đang trong quá trình tái cơ cấu là ngân hàng Sài Gòn Thương Tín. Kể từ ngày 1.4 tới nay, giá cổ phiếu STB đã tăng tới 38%. Nếu tính từ đầu tháng 5 trở lại đây giá cổ phiếu này cũng đã có tốc độ tăng lên tới 26,7%.
Cổ phiếu TCB của ngân hàng Techcombank, có mức tăng giá vào loại cao nhất trong tháng này, lên tới 31,2%, chỉ xếp sau cổ phiếu TPB 33,4%. Các cổ phiếu khác như MBB hay CTG đều tăng trưởng quanh mức 28% trong vòng 1 tháng trở lại đây. Nhóm cổ phiếu ngân hàng đang có thanh khoản cao và chính thanh khoản này hấp dẫn các nhà đầu tư cá nhân. Theo thống kê, 50% thanh khoản hiện nay của thị trường tập trung vào nhóm ngân hàng.
Giữa tháng 7, nhóm cổ phiếu ngân hàng có thể tạo đỉnh
Ông Nguyễn Duy Phương - Giám khối đầu tư quỹ DG Investment - nhận định, trong những tháng gần đây, dòng tiền liên tục đổ vào nhóm cổ phiếu ngân hàng và tiếp diễn với nhiều yếu tố hỗ trợ. Đầu tiên phải kể đến kết quả kinh doanh của nhóm ngân hàng trong quý 1 khá tốt, thậm chí là tăng trưởng vượt kỳ vọng. Có nhiều yếu tố tác động như lãi suất huy động đầu vào giảm trong khi lãi suất cho vay giảm chậm hơn, NIM ngân hàng tốt hơn.
Thứ hai, liên quan đến trích lập dự phòng rủi ro theo Thông tư 03. Nhiều ngân hàng đến cuối quý 1 vẫn chưa áp dụng trích lập dự phòng nên mức trích dự phòng này không tăng tương ứng với trạng thái của nền kinh tế. Hiện chưa có các yếu tố thay đổi những tác động này, do đó nhóm ngân hàng vẫn đang thu hút nhà đầu tư nhiều hơn so với mặt bằng chung các nhóm ngành khác.
Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Yuanta Việt Nam - cũng cho rằng, nhóm Ngân hàng và Chứng khoán vẫn có triển vọng tích cực trong trung và dài hạn. Tuy nhiên, hiện nay, nhóm Ngân hàng đang có mức định giá không còn rẻ trong ngắn hạn cho nên nhóm này rất có khả năng sẽ điều chỉnh và dòng tiền có thể sẽ dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu khác có tăng trưởng và định giá còn thấp đơn cử như cổ phiếu Bất động sản và Bán lẻ.
Dự kiến đến khoảng giữa tháng 7, các nhóm cổ phiếu ngân hàng có thể tạo đỉnh khi kết quả kinh doanh quý 2 ngân hàng bắt đầu phản ánh mức trích lập dự phòng rủi ro theo Thông tư 03.
Ngoài ra, trong quý 1, nhiều ngân hàng đã ghi nhận lợi nhuận từ hoạt động bancassurance, cũng như các ký kết độc quyền với các công ty bảo hiểm. Một số ngân hàng đã hạch toán khoản lợi nhuận đột biến này trong quý 1, chính khoản thu này đã giúp một số ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận từ 60-100% so với cùng kỳ. Và trong những quý tới, sẽ không còn yếu tố này nữa. Do đó, một số chuyên gia phân tích nhận định, thời điểm hiện tại, dòng vốn đầu tư của các nhà đầu tư sẽ vẫn tiếp tục tập trung vào nhóm ngân hàng, và phải đợi đến tháng 6 mới có khả năng điều chỉnh.