Bộ Công Thương đề xuất thí điểm thuốc lá thế hệ mới có thời hạn
Theo Bộ Công Thương, mặc dù chưa có cơ chế quản lý cụ thể, chưa được phép lưu hành nhưng các sản phẩm thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng đã có mặt nhiều nơi trên thị trường trong một thời gian dài. Người tiêu dùng tại Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới không rõ nguồn gốc trên thị trường.
Do vậy, Bộ Công Thương cho rằng việc nghiên cứu ban hành chính sách để quản lý các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới là cần thiết nhằm kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Bộ Công Thương đề xuất cho phép thí điểm nhập khẩu, lưu thông thuốc lá làm nóng như một sản phẩm thuốc lá trong thời gian 2 năm. Còn đối với thuốc lá điện tử, Bộ Công Thương đề xuất nên tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ các bằng chứng khoa học liên quan đến sự an toàn của dung dịch thuốc lá điện tử.
Tham vấn cho Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp - cơ quan có trách nhiệm về góc độ pháp lý đã đưa ra ý kiến ủng hộ việc quản lý thuốc lá thế hệ mới, cho rằng: “Hiện nay, WHO đã chính thức công nhận thuốc lá làm nóng là thuốc lá, do vậy việc cần làm tiếp theo là áp dụng luật kiểm soát thuốc lá hiện hành đối với sản phẩm này như thế nào là phù hợp”.
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng thuốc lá điện tử có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người tiêu dùng, một số nước trên thế giới cấm sử dụng sản phẩm này, hiện nay Nhà nước chưa có chính sách quản lý cụ thể nhằm kiểm soát, hạn chế, bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng và thất thu thuế, việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để quản lý sản phẩm này là cần thiết.
Trong khi đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét xây dựng quy định quản lý, chính sách thí điểm đối với các loại thuốc lá điện tử để làm căn cứ hoàn thiện văn bản pháp luật quản lý thuốc lá điện tử tại Việt Nam.
Một số cơ quan trực thuộc Chính phủ cũng đã đóng góp thêm nhiều ý kiến đa chiều hỗ trợ cho tiến trình hoạch định chính sách quản lý thuốc lá thế hệ mới. Trong đó, vẫn còn một số quan ngại cho rằng không nên cho phép những sản phẩm có hại cho sức khỏe như thuốc lá thế hệ mới.
Bộ Y tế khẳng định chưa đủ khả năng thí điểm
Với quan điểm nhất quán là bảo vệ sức khỏe người dân trên các lợi ích kinh tế, từ năm 2020, Bộ Y tế đã nhiều lần gửi công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ cấm hoàn toàn đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Dựa trên các căn cứ khoa học cho thấy các sản phẩm này có hại cho sức khỏe; các nguy cơ, tác hại lâu dài còn chưa được nhận biết.
Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết sau 10 năm triển khai Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nam giới giảm 5% nhưng vẫn còn cao. Việt Nam vẫn nằm trong nhóm 15 nước có tỉ lệ sử dụng thuốc lá cao nhất thế giới.
Tỉ lệ hút thuốc lá điện tử ở nước ta chưa cao nhưng bắt đầu có sự gia tăng ở giới trẻ trong khi Việt Nam chưa cho phép kinh doanh sản phẩm này. Theo bà Trang, thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng đang được kinh doanh bất hợp pháp nhưng tỉ lệ sử dụng đã có xu hướng gia tăng. Nếu cho phép kinh doanh thì sẽ có nguy cơ tăng mạnh, thu hút giới trẻ nhiều hơn và tạo ra một thế hệ nghiện nicotin mới.
Bà Trang cũng cho biết thêm ngành y tế đang "còng lưng" phòng chống các bệnh không lây nhiễm. Nếu cho phép thí điểm sẽ dẫn đến hậu quả nặng nề cũng như nhiều vướng mắc pháp lý. Cụ thể, chưa có đủ dữ liệu đánh giá tác động chính sách, đặc biệt là tác hại đến sức khỏe, xã hội, gánh nặng bệnh tật, hệ lụy cho giới trẻ và chi phí, tác động xã hội.
Việc đề xuất thí điểm chỉ tiếp cận từ góc độ kinh doanh, chưa nghiên cứu thấu đáo từ góc độ bảo vệ sức khỏe người dân và xã hội là chưa toàn diện. Thí điểm một sản phẩm gây nghiện nhưng không có giải pháp cho việc giải quyết các hệ lụy sức khỏe, xã hội và những hệ quả sau khi kết thúc thí điểm.
Bộ Y tế cũng cho rằng, hiện Việt Nam chưa đủ điều kiện bảo đảm cho việc xây dựng và thực hiện chính sách thí điểm thuốc lá mới do thuốc lá mới có chứa nhiều thành phần hoá học, phụ gia và hương liệu có hại cho sức khoẻ mà ngay cả các quốc gia có nền khoa học kỹ thuật tiên tiến vẫn chưa đủ điều kiện để phân tích, kiểm nghiệm.
Cũng theo Bộ Y Tế, nếu cho phép thí điểm thuốc lá thế hệ mới, các bộ sẽ phải xây dựng và ban hành hàng loạt cơ chế, quy định cho việc thí điểm bao gồm quản lý kinh doanh, cấp phép, xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn sản phẩm, cảnh báo sức khoẻ…
Năng lực kỹ thuật và nhân lực quản lý của Việt Nam còn mỏng và hạn chế để kiểm nghiệm, kiểm tra sản phẩm. Do vậy, nếu thí điểm sẽ cần một nguồn lực rất lớn để xây dựng, mua sắm trang thiết bị kiểm nghiệm, đào tạo cán bộ để có thể giám sát được các chỉ tiêu theo yêu cầu.