Cụ thể, giá dầu Brent tăng 2,11 USD, tương đương 2,6%, lên mức 83,91 USD/thùng. Giá dầu WTI của Mỹ tăng 2,16 USD, tương đương 2,8%, lên mức 79,72 USD/thùng.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, trong tuần kết thúc vào ngày 8.3, các công ty năng lượng đã bất ngờ rút 1,5 triệu thùng dầu thô ra khỏi kho dự trữ.
Mức giảm trong tồn kho dầu ngược với dự đoán tăng 1,3 triệu thùng của các nhà phân tích và ít hơn so với mức giảm 5,5 triệu thùng mà Viện Dầu khí Mỹ đã báo cáo trước đó.
Trong khi đó tại Nga, Ukraine liên tục tấn công các nhà máy lọc dầu bằng máy bay không người lái quy mô lớn, gây cháy tại nhà máy lọc dầu lớn nhất của Rosneft.
Andrew Lipow, chủ tịch của Lipow Oil Associates owrw Houston nhận xét, khả năng lọc dầu bị gián đoạn nên Nga sẽ xuất khẩu ít dầu diesel hơn và có khả năng bắt đầu nhập khẩu xăng.
Giá dầu cũng nhận được sự hỗ trợ từ dữ liệu mới nhất về lạm phát của Mỹ cho thấy nước này có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất vào giữa năm nay. Lãi suất thấp hơn có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hỗ trợ nhu cầu dầu mỏ.
Trong khi đó, OPEC giữ nguyên dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ tăng 2,25 triệu thùng/ngày trong năm 2024 và 1,85 triệu thùng/ngày vào năm 2025. Đồng thời, OPEC cũng nâng cao hơn nữa dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm nay với lý do còn nhiều cơ hội để cải thiện.
Trong nước, giá bán lẻ xăng dầu sẽ được liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh vào chiều nay. Theo các nhà phân tích, do giá dầu thế giới tuần trước giảm nên giá xăng dầu có thể giữ nguyên hoặc giảm trong khoảng 100 đồng/lít.
Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã có 10 lần điều chỉnh, trong đó 6 lần tăng và 4 lần giảm.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 14.3 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 22.512 đồng/lít; xăng RON 95-III không quá 23.557 đồng/lít; dầu diesel không quá 20.471 đồng/lít; dầu hỏa không quá 20.609 đồng/lít; dầu mazut không quá 16.133 đồng/kg.