Giá cả sôi động
Số liệu của CBRE mới đây cho biết, tại khu vực trung tâm TP.Hà Nội, giá chào thuê mặt bằng ở tầng 1, không bao gồm VAT và phí dịch vụ đang đạt mức 144 USD/m2/tháng (tăng 9% theo quý và 39,5% theo năm).
Đây là mức giá thuê cao nhất ghi nhận từ trước đến nay ở khu vực trung tâm Thủ đô. Với các mặt bằng ngoài trung tâm, giá thuê cũng rơi ở mức đạt 27 USD/m2/tháng (tăng 6,9% theo quý và tăng 14% theo năm).
Đối với nhiều thương hiệu bán lẻ tại trung tâm thương mại (TTTM) có chất lượng vận hành tốt trong thời gian gần đây cũng đang góp phần thúc đẩy giá thuê mặt bằng tăng cao. Những dự án được vận hành bởi chủ đầu tư chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm như Vincom Retail (Việt Nam), Lotte (Hàn Quốc), Aeon Maill (Nhật Bản) hay Central Group của Thái Lan hiện vẫn giữ tỉ lệ lấp đầy cao.
Về triển vọng thị trường, theo CBRE, mặt bằng bán lẻ tại các vị trí đắc địa tiếp tục được săn đón nhiều trong thời gian tới với nhu cầu thuê tiếp tục được duy trì, giá thuê tại các khu vực này giữ đà tăng. Ngoài ra, các cửa hàng bán lẻ truyền thống tiếp tục chú trọng nâng cao trải nghiệm người tiêu dùng bằng cách tích hợp các tiện ích tại cửa hàng, tăng khả năng đáp ứng đơn hàng trực tuyến.
Tại phía Nam, ông Võ Hoàng Quân - Giám đốc Công ty Bất động sản Center Land cũng xác nhận, giá chào thuê mặt bằng kinh doanh trên đất vàng quận 1 (TPHCM) đang leo thang khá nhanh trong vài tháng gần đây.
Ông Quân phân tích, mặt bằng kinh doanh đang được thành nhóm như mặt bằng hạng sang tọa lạc trên đường Nguyễn Huệ và các tuyến đường nhánh lân cận dẫn về phố đi bộ. Các mặt bằng tại khu vực lõi quận 1 thường có khách thuê cao cấp, mong muốn quảng bá hình ảnh, thương hiệu, sản phẩm hơn là bán hàng. Nhóm khách này có tiềm lực lớn nên chịu đựng được chi phí mặt bằng đắt đỏ.
Tỉ lệ lấp đầy tăng cao
Theo báo cáo của Tổng Cục Du lịch, tổng doanh thu bán lẻ và dịch vụ năm 2022 đang tăng mạnh, đạt khoảng 117 tỉ USD (tăng 27,3% so với cùng kỳ năm trước). Một tín hiệu đáng mừng cho ngành bán lẻ là lượng khách du lịch quốc tế quý này tăng gần gấp 7 lần so với năm ngoái.
Đối với thị trường nội địa ghi nhận 60,8 triệu lượt khách, điều này thể hiện tiềm năng thị trường trong nước vẫn còn dư địa rất lớn, với tầng lớp trung lưu tăng nhanh, giúp đẩy mạnh nhu cầu du lịch và mua sắm trong người dân.
Dữ liệu của trang Batdongsan thông tin, thị trường mặt bằng cho thuê đã bắt đầu xuất hiện dấu hiệu hồi phục mạnh mẽ. Tổng lượt tin đăng rao cho thuê nhà phố mặt tiền tại TPHCM đang tăng 46%, lượng tìm kiếm cũng tăng 68% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặt bằng tại trung tâm quận 1 giá thuê tăng trên 20% so với cao điểm cùng kỳ năm 2021.
Phía Savills Việt Nam cũng đánh giá, nhiều thương hiệu bán lẻ cao cấp được dự đoán sẽ gia nhập thị trường, một số sẽ là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Ông Nick Bradstreet - Giám đốc Bộ phận Bán lẻ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại Savills cho biết, Việt Nam đang có nhiều lợi thế để bật cao hơn so với các thị trường trong Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan khi còn nhiều dư địa để các nhãn hàng cao cấp mở rộng, phát triển. Tuy nhiên, điểm yếu của Việt Nam là nguồn cung mặt bằng tại các khu vực trung tâm còn nhiều hạn chế. Hiện chỉ có tòa Union Square tại TPHCM là đáp ứng được nhu cầu của các thương hiệu xa xỉ.
Trong khi đó, tại thị trường Hà Nội, khu vực trung tâm quận Hoàn Kiếm đang thiếu hụt mặt bằng phù hợp với các nhãn hiệu này. Giá thuê tại các khu vực trung tâm đã tăng 9% theo quý, 23% theo năm với mức thuê tầng trệt khoảng 128,6 USD/m2/tháng.
Nhiều thương hiệu bán lẻ cao cấp đang có xu hướng tìm kiếm mặt bằng xung quanh Nhà hát lớn Hà Nội và khách sạn Metropole khiến giá thuê tại đây cũng trở nên cạnh tranh hơn.