Vàng có còn là kênh “trú ẩn” an toàn?
Vàng vốn được xem là kênh “trú ẩn” an toàn, đặc biệt trong những thời kỳ thị trường tài chính có nhiều biến động. Tuy nhiên thời gian gần đây, kênh “trú ẩn” này dường như đang bị lung lay bởi tình trạng chênh lệch giá, có thời điểm biên độ lên tới gần 20 triệu đồng/lượng.
Anh Nguyễn Thanh Chung, một nhà đầu tư chia sẻ: “Danh mục đầu tư của tôi gồm có bất động sản cho thuê và vàng. Nếu đầu tư nhà cho thuê với kỳ vọng có 1 nguồn thu ổn định hằng tháng thì vàng là nơi tôi đặt kỳ vọng vừa có thể sinh lời, vừa trú ẩn tài sản. Tuy nhiên những biến động về giá trong thời gian qua khiến tôi luôn thấp thỏm lo lắng”.
Vì vậy, anh Chung cho biết, anh bán ra hơn 70% số vàng đã tích trữ: “Mặc dù vẫn còn băn khoăn nhưng bán xong tôi thấy nhẹ cả người, không phải lo lắng quá nhiều về tăng giảm giá vàng hằng ngày bởi lượng tích trữ vàng của tôi không còn quá nhiều”.
Trên thực tế, những bất cập về biến động giá vàng, giá tăng cao, không liên thông với thế giới đã bắt đầu xuất hiện khoảng từ năm 2014, sau khi Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực (2012).
Theo Nghị định 24, vàng miếng SJC được chọn làm thương hiệu vàng miếng quốc gia, tức trên thị trường chỉ còn duy nhất thương hiệu này.
Đồng thời, không có doanh nghiệp nào được cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Ngân hàng Nhà nước cũng không nhập khẩu vàng để gia công vàng miếng SJC.
Chính sách đóng cửa đã khiến tình trạng mất cân bằng cung cầu trên thị trường vàng xảy ra, kéo theo mức chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới tăng cao cùng hàng loạt những bất cập khác.
Cần tăng cung, nhập khẩu và xoá bỏ độc quyền
TS Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế - đánh giá, về cơ bản thì nghị định 24 đã hoàn thành khá tốt vai trò và sứ mệnh của mình trong thời gian qua. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường hiện tại, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan quản lý, các chuyên gia đã bàn khá nhiều về việc cần sớm sửa đổi Nghị định 24.
Đối với việc sửa đổi trong quản lý thị trường, TS Cấn Văn Lực kiến nghị cần tập trung vào bốn nhóm giải pháp.
Thứ nhất, cần phải cho phép tăng lượng cung vàng để phù hợp với nhu cầu của người dân và các gia đình ở Việt Nam. Bằng cách cho phép một số doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn, tiêu chí đáp ứng điều kiện để có thể nhập khẩu vàng vào Việt Nam.
Thứ hai, phải loại bỏ thương hiệu quốc gia độc quyền SJC, bởi thương hiệu này cũng không khác nhiều so với các thương hiệu khác, nhưng chênh lệch giá so với các thương hiệu khác khá cao. Điều này đã tạo ra một giá trị ảo cho bản thân thương hiệu SJC.
Thứ 3, cần phải tăng cường khâu phối kết hợp giữa Ngân hàng Nhà nước với các cơ quan, bộ, ngành khác nhau để kiểm tra, đánh giá, giám sát thị trường, đảm bảo công khai, minh bạch và hoạt động hiệu quả hơn nữa.
Thứ tư, cần phải tăng cường hợp tác quốc tế, để vừa chống buôn lậu vàng, cũng như việc đảm bảo cung - cầu để thị trường vàng liên thông tốt hơn nữa trong thời gian tới.
“Tôi nghĩ nếu chúng ta tháo gỡ được 4 điểm như vậy thì về cơ bản Nghị định 24 sẽ đáp ứng được yêu cầu vận hành, quản lý thị trường vàng tốt hơn trong thời gian tới” - ông Lực nêu ý kiến.
Nhấn mạnh về việc tăng giá “ảo” của vàng SJC, TS Cấn Văn Lực cho rằng, nếu tăng lượng cung vàng, giá vàng Việt Nam sẽ về sát hơn với giá vàng thế giới vì nhu cầu mua vàng hiện tại đã giảm hơn so với trước đây rất nhiều. Trong đó nhu cầu đầu cơ giảm mạnh, hiện chủ yếu là nhu cầu tích trữ, tích cóp và thừa kế.
Ngoài ra, ông Lực cũng nhìn nhận vẫn còn một số hiện tượng buôn lậu vàng do chênh lệch giá vàng ở mức cao và Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước cũng đã vào cuộc và sẽ có sự khắc phục.