Giải cơn khát vốn cho doanh nghiệp sản xuất đơn hàng cuối năm: Tín dụng hẹp cửa, doanh nghiệp gặp khó

LAN NHI |

Càng gần cuối năm 2022, việc thiếu hụt vốn vẫn đang là một trong những vấn đề nan giải của doanh nghiệp. Đặc biệt, trong bối cảnh giá các loại nguyên liệu liên tục biến động, chi phí tăng cao nên đa số các doanh nghiệp họ đều mong muốn được hỗ trợ dòng tiền với lãi suất cho vay hợp lý.

Quý IV/2022 thường là mùa cao điểm mà các doanh nghiệp trong nước chạy đua sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên do diễn biến thị trường lãi suất tăng, tín dụng hẹp cửa, trái phiếu bị quản chặt đang tạo áp lực rất lớn cho cộng đồng doanh nghiệp. Nhiều chuyên gia cho rằng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Chính phủ cần có những chính sách khai thông để bổ sung nguồn vốn nội lực và nguồn vốn vay, từ đó tăng tính liên kết, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.

Nỗi lo chung của doanh nghiệp

Ông Hồ Thành Tùng - Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghệ CMC - cho rằng, nhu cầu về nguồn vốn của đại bộ phận doanh nghiệp đang rất thiếu. Vì thế nhiều doanh nghiệp đang rất cần có một khuôn khổ pháp lý rõ ràng để được hỗ trợ dòng tiền, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh.

Phía Tập đoàn Xuân Nguyên cho biết, doanh nghiệp cũng đang tìm cách "gõ cửa" các ngân hàng để tìm nguồn vốn nâng cấp máy móc thiết bị và chuẩn bị nguyên liệu sản xuất mùa Tết Quý Mão 2023.

Theo đại diện Tập đoàn Xuân Nguyên, nhiều doanh nghiệp khác tại TPHCM, nhất là trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm cũng đang "khát" vốn trầm trọng. Cụ thể, quý IV/2022 là quý mà doanh nghiệp cần nguồn vốn nhiều nhất để phục vụ sản xuất, kinh doanh. Cái khó gần đây là Ngân hàng Nhà nước không chỉ tăng trần lãi suất mà còn hạn chế room tín dụng đã khiến các doanh nghiệp rất bị động và không thể xoay xở.

Trước đó, bà Trần Diệu Thanh - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thương mại cơ khí Tân Thanh thông tin, nguồn vốn là một trong những vấn đề khó và cần thiết với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngay từ khi có chính sách hỗ trợ giảm 2% lãi suất cho vay với một số đối tượng doanh nghiệp, bà Thanh cũng đã tìm cách liên hệ với các ngân hàng thương mại để làm thủ tục vay vốn.

Ông Nguyễn Văn Chữ - Chủ tịch Hội đồng quản trị chuỗi thực phẩm sạch Organic Green - cho biết, sau 2 năm chống chọi với dịch COVID-19 và những thách thức từ giá nguyên, nhiên liệu tăng, thời điểm này nguồn vốn vẫn là thách thức lớn đối với nhiều doanh nghiệp.

Cụ thể khi nền kinh tế mới chớm phục hồi nhưng hiện cánh cửa vốn từ thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp đang gặp khó, room tín dụng của các ngân hàng lại hạn chế đang ảnh hưởng rất lớn đến việc hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp trong mùa cao điểm sản xuất cuối năm. Nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước vẫn đang mòn mỏi chờ đợi chính sách hỗ trợ để có thể tiếp cận các khoản vay với mức lãi suất ưu đãi.

Đề cập đến vấn đề nêu trên, ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM (HUBA) - cho rằng, vấn đề chính hiện nay của các doanh nghiệp thành phố là nguồn vốn. Sau đợt dịch COVID-19 vừa qua, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đã rời bỏ thị trường, chủ yếu do thiếu nguồn vốn và không thể tiếp cận vốn.

Doanh nghiệp cần đa dạng nguồn vốn 

Liên quan đến việc làm thế nào để giải bài toán tiếp cận nguồn vốn, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, câu chuyện khó tiếp cận vốn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa không mới, thậm chí đã được đề cập tìm giải pháp từ nhiều năm nay, đặc biệt là sau dịch COVID-19.

TS Cấn Văn Lực - chuyên gia tài chính (ngân hàng BIDV) nhận định, các doanh nghiệp nhỏ và thường thiếu điều kiện tài sản đảm bảo và cả phương án kinh doanh khả thi sẽ khó tiếp cận tín dụng, bởi vì các tổ chức tín dụng cần đảm bảo kinh doanh để không mất vốn nhà nước và vốn của ngân hàng, dù là ngân hàng tư nhân cũng có thể bị hình sự hóa. Do đó, các doanh nghiệp cần đa dạng kênh tiếp cận vốn, chứ không nên chỉ trông chờ vào kênh tín dụng ngân hàng.

Cụ thể, doanh nghiệp nên quan tâm mảng cho thuê tài chính, bởi lĩnh vực này không cần tài sản thế chấp. Trong quá trình hoạt động kinh doanh, khi doanh nghiệp cần máy móc, thiết bị hiện đại thường có giá trị lớn, họ phải đầu tư ngay một số vốn trung, dài hạn lớn để mua sắm.

Bà Stephanie Bezant - Giám đốc toàn quốc Khối dịch vụ ngân hàng doanh nghiệp (HSBC Việt Nam) cũng định hướng, các công cụ tài chính thay thế như quỹ đầu tư tư nhân, vốn đầu tư mạo hiểm…, có thể giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa huy động được nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh.

Chuyên gia khuyến nghị, việc quản trị tài chính hiệu quả ở thời điểm này cũng là giải pháp giúp cho doanh nghiệp giảm áp lực về vốn, thay vì tìm cách vay thêm vốn tín dụng.

Khơi thông các kênh dẫn vốn 

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy trong 9 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động là 163.300, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy sự lạc quan về tình hình sản xuất - kinh doanh trong quý IV/2022, với 82,6% doanh nghiệp đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn so với quý trước.

Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - nhận định, điểm nghẽn đồng thời là điểm nóng hiện tại trong điều hành kinh tế chính là gỡ bài toán về nguồn vốn doanh nghiệp. Chính phủ cần có quyết sách đặc biệt, nâng cao hiệu quả triển khai các chính sách hỗ trợ phục hồi sau đại dịch COVID-19 cho doanh nghiệp.

Các gói hỗ trợ dù đã được triển khai song tốc độ giải ngân vẫn còn chậm, tình trạng doanh nghiệp kêu khó khi tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi cũng cho thấy các điều kiện để vay vốn chưa thực sự phù hợp, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Vì vậy cần có biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong điều kiện tiếp cận các khoản vốn vay ưu đãi của doanh nghiệp để các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thực sự phát huy hiệu quả.

Tại diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2022, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cũng đã nhận định, áp lực cung ứng vốn cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế hiện đang rất lớn. Nhu cầu vốn của nền kinh tế đang phụ thuộc chủ yếu vào tín dụng ngân hàng, trong khi thị trường vốn chưa phát triển tương xứng. Trong khi đó, vốn tín dụng ngân hàng chỉ là một trong các nguồn vốn đầu tư và tín dụng ngân hàng không thể đáp ứng mọi nhu cầu vốn của toàn bộ nền kinh tế.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà, cần khơi thông đầy đủ các kênh dẫn vốn cho nền kinh tế gồm cổ phiếu, trái phiếu, đầu tư công, nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Trong bối cảnh còn nhiều thách thức, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phải điều hành đồng bộ, linh hoạt, hài hòa tất cả công cụ, giải pháp để thực hiện được mục tiêu lớn nhất là bảo đảm an toàn hệ thống, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

LAN NHI
TIN LIÊN QUAN

Gói hỗ trợ lãi suất 2% giải "cơn khát vốn" cho doanh nghiệp

Đào Đặng |

Thông qua các gói tín dụng lãi suất ưu đãi, sản phẩm dịch vụ đặc thù phù hợp với từng nhóm khách hàng, các ngân hàng tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Doanh nghiệp khát vốn - giải pháp nào để thoát khỏi cơn bĩ cực?

Đức Mạnh |

Theo các chuyên gia, hệ thống ngân hàng sau 2 năm COVID-19 đang chưa đáp ứng kịp nhu cầu hồi phục kinh tế. Điều này đã dẫn đến cơn khát vốn tại các doanh nghiệp mà chúng ta cần tìm hướng giải quyết.

Bảo hiểm bồi thường 945 triệu đồng vụ sạt lở vùi ôtô ở Cao Bằng

Lục Giang |

Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đã triển khai các biện pháp khẩn cấp để hỗ trợ khách hàng như khẩn trương giám định tổn thất, tạm ứng bồi thường cho khách hàng.

Ngó lơ cảnh báo, nhiều chủ phương tiện bị ngập gần hết xe

Thế Kỷ |

Một số đoạn đường gom Đại lộ Thăng Long (Hà Nội) vẫn đang bị ngập sâu, lực lượng chức năng cảnh báo phương tiện hạn chế hoặc không đi vào.

Ukraina cạn kiệt tên lửa Storm Shadow

Cao Thảo |

Số lượng tên lửa Storm Shadow trong kho vũ khí của Ukraina đang ở mức tương đối thấp.

23 tàu du lịch vẫn ngâm nước biển vì khó tìm thợ trục vớt

Nguyễn Hùng |

Quảng Ninh - Bão Yagi nhấn chìm 27 tàu du lịch, trong đó có 25 tàu tham quan, 2 tàu lưu trú. Hầu hết các tàu hiện vẫn ngâm trong nước biển vì khó tìm thợ trục vớt.

Cựu Bí thư tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến nhận hối lộ 4 tỉ

Việt Dũng |

Ông Nguyễn Nhân Chiến - cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh bị cáo buộc tạo điều kiện cho Công ty AIC và được bà chủ doanh nghiệp này cảm ơn nhiều tỉ đồng.

Tổng LĐLĐ Việt Nam kí kết phối hợp với Tỉnh ủy Hải Dương

Mai Dung |

Sáng 13.9, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kí kết chương trình phối hợp công tác với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương giai đoạn 2024-2028.