Gian nan kiểm soát mặt trái của thương mại điện tử trong năm 2024

TRÍ MINH |

Dù được đánh giá có tiềm năng lớn, thương mại điện tử đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như đảm bảo nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa; an toàn, an ninh thông tin cá nhân... Một loạt các vụ đột kích kho hàng vừa qua của lực lượng chức năng đã cho thấy còn nhiều gian nan để quản lý loại hình này.

Liên tục phát hiện các vi phạm

Vừa qua, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Cao Bằng đã kiểm tra một kho chứa hàng đông lạnh nằm trên địa bàn phường Đề Thám (TP Cao Bằng).

Tại thời điểm kiểm tra, kho hàng này chứa một lượng lớn thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ gồm: Trứng gà non đông lạnh; Kê gà đông lạnh; Dế mèn đông lạnh; Đậu viên thả lẩu; Khoai lang sấy; Chân gà đông lạnh… chảy nước, bốc mùi hôi thối có tổng trọng lượng lên đến gần 400kg. Đồng thời, ở thời điểm kiểm tra, người đại diện hộ kinh doanh không xuất trình được hoá đơn chứng từ hợp pháp theo quy định, đồng thời khai nhận toàn bộ số hàng hóa mua trôi nổi trên thị trường.

Đáng chú ý, theo khai nhận của đại diện hộ kinh doanh, toàn bộ hàng hóa tại đây được chủ cơ sở bán trên nền tảng mạng xã hội bằng hình thức livestream trên Facebook và vận chuyển đến người tiêu dùng. Theo thống kê sơ bộ của chủ cơ sở, trung bình mỗi ngày phát sinh khoảng 100 đơn hàng, mỗi đơn hàng có giá trị từ 50.000 đồng đến vài trăm nghìn đồng.

Một vụ việc điển hình khác, cuối tháng 12.2023, Tổng cục Quản lý thị trường đã phối hợp với các đơn vị có liên quan kiểm tra kho hàng nằm trong Khu đô thị Đô Nghĩa thuộc phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, TP Hà Nội.

Tại thời điểm kiểm tra, trên 50 nhân viên có mặt ở các tầng đang thực hiện đóng gói, dán đơn lên các sản phẩm vừa được chốt đơn trong phiên livestream của chủ cơ sở trước đó.

Một lượng lớn hàng hóa vừa được vận chuyển về kho, còn nguyên đai nguyên kiện bị lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra. Phần lớn sản phẩm không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, chưa rõ nguồn gốc xuất xứ. Chủ cơ sở không có mặt tại thời điểm kiểm tra. Làm việc với lực lượng chức năng, quản lý kho hàng chưa xuất trình được các giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa.

Hay vào đầu tháng 12, sau một thời gian dài thẩm tra, xác minh với hàng nghìn giờ theo dõi trên livestream, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Gia Lai bất ngờ ập vào kiểm tra Hộ kinh doanh Trương Ngọc Quyên (Ngọc Quyên Shop) trên địa bàn phường Đống Đa, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai. Hàng loạt các hành vi vi phạm tại hộ kinh doanh này được nêu ra như có dấu hiệu sử dụng ứng dụng bán hàng không thông báo với cơ quan có thẩm quyền; kinh doanh hàng giả mạo nhãn hiệu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhập lậu. Ước tính, số lượng hàng hóa có dấu hiệu vi phạm lên đến hàng chục nghìn sản phẩm.

Cần kiểm soát những mặt trái

Ông Nguyễn Hữu Tuấn - Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) - cho biết, thông tin sau khi kiểm tra một vụ việc vi phạm, các đối tượng thường bán hàng qua các kênh bao gồm: website, các nền tảng sàn thương mại điện tử và livestream bán hàng trên các fanpage...

Vị này cho hay, các đối tượng thường chia sẻ những thông tin trên mạng xã hội rầm rộ và số lượng đơn hàng rất khủng khiếp, có thể lên tới hàng triệu đơn hàng trong một năm với giá trị rất lớn.

Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), thương mại điện tử Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng trên 25% và đạt quy mô trên 20 tỉ USD. Dấu ấn quan trọng nhất của thương mại điện tử có thể kể đến là số người tiêu dùng trực tuyến mới tiếp tục tăng lên cả về số lượng và chất lượng.

Người tiêu dùng mua nhiều hơn, giá trị mua hàng càng ngày càng cao lên; đông đảo người mua đã trở thành người tiêu dùng thông minh, thành thạo kỹ năng mua sắm trực tuyến hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực, thương mại điện tử cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như đảm bảo nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cá nhân; hạ tầng logistics thương mại điện tử còn chưa đáp ứng kịp tốc độ tăng trưởng của thị trường; niềm tin của người tiêu dùng trong giao dịch trực tuyến...

Vấn đề đặt ra đối với cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện hạ tầng, khung pháp lý và chính sách phát triển thương mại điện tử và kinh tế số. Trong đó, tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, xử lý mạnh tay những vấn nạn hàng lậu, giả, nhái được coi là cốt yếu.

Gia tăng vi phạm gian lận thương mại điện tử tại Thái Nguyên

Kho hàng chứa bình bóng cười được các đối tượng rao bán trên mạng xã hội. Ảnh: Quản lý thị trường Thái Nguyên
Kho hàng chứa bình bóng cười được các đối tượng rao bán trên mạng xã hội. Ảnh: Quản lý thị trường Thái Nguyên

Cuối năm là dịp cao điểm nở rộ tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại. Những mánh khóe lừa đảo của các đối tượng hết sức tinh vi, biến tướng khôn lường. Đặc biệt, nhiều địa phương miền núi đã trở thành đích đến, mảnh đất màu mỡ cho tình trạng này.

Từng là nạn nhân của tình trạng trên, chị Nguyễn Thị Hoa (TP Thái Nguyên) cho biết, thủ đoạn của các đối tượng ngày một tinh vi. Khi phát hiện mình bị lừa cũng đã muộn, các thông tin, địa điểm kinh doanh của người bán đều là giả.

"Trước tôi có đặt một số sản phẩm đồ gia dụng qua mạng. Sau đó, được người bán gọi điện tư vấn rất nhiệt tình. Khi hàng chuyển về không kiểm tra kỹ nên bị lừa. Các sản phẩm đều khác xa quảng cáo, từ mẫu mã, chất liệu đến màu sắc. Liên hệ lại với người bán thì không được, toàn bộ thông tin về địa điểm kinh doanh đều là giả" - chị Hoa cho hay.
​​
Cũng theo chị Hoa, kẽ hở để các đối tượng có điều kiện lừa đảo là sự nở rộ của hoạt động chuyển phát. Trên địa bàn hiện nay, ngoài các đơn vị có văn phòng giao dịch được phép hoạt động chuyển phát, còn phát sinh rất nhiều tổ chức cung cấp dịch vụ tương tự. Tại những đơn vị chuyển phát này, các thông tin về chủ thể kinh doanh không được quản lý chặt chẽ.

Ngoài ra, đánh vào tâm lý nhẹ dạ cả tin, sự mơ hồ về không gian mạng của người dân vùng cao, tình trạng lừa đảo ngày một tăng cao. Mới đây, Đội Quản lý thị trường số 3 (Thái Nguyên) phát hiện, thu giữ gần 400 đơn vị sản phẩm là hàng giả tại một kho hàng ở huyện Đồng Hỷ. Các sản phẩm được dán nhãn của các thương hiệu nổi tiếng. Chủ kho hàng thừa nhận mua số sản phẩm qua mạng, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Mục đích về livestream trên các nền tảng mạng xã hội bán kiếm lời.

Đến cuối tháng 12.2023, đội QLTT số 2 (Thái Nguyên) kiểm tra 1 hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố. Đơn vị này sử dụng website thương mại điện tử để bán nhưng không thông báo với cơ quan chức năng. Đoàn kiểm tra đã xử phạt cơ sở trên 2 hành vi vi phạm là không thông báo website thương mại điện tử bán hàng và kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Thông tin từ Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Thái Nguyên, trong vòng 3 năm qua, các lực lượng chức năng đã bắt giữ và xử lý 287 vụ việc vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử. Trong đó có 45 vụ buôn lậu, vận chuyển hàng lậu. 233 vụ gian lận thương mại, 9 vụ hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
​​​
Trao đổi với PV Báo Lao Động, một lãnh đạo Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên cho biết, trong thời gian tới đơn vị đã có kế hoạch cao điểm kiểm tra dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2024.

Ngọc Minh

TRÍ MINH
TIN LIÊN QUAN

Truy thu thuế, xử lý 1.061 cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử

Minh Ánh |

Ngày 21.12, Tổng cục Thuế cho biết, năm 2023, đơn vị đã truy thu, xử lý vi phạm thuế đối với 179 doanh nghiệp và 1.061 cá nhân có hoạt động kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử với số tiền khoảng 275 tỉ đồng.

Nở rộ chiêu mạo danh các trang thương mại điện tử, hệ thống siêu thị dịp cuối năm

KHÁNH AN |

Cuối năm là thời điểm các chiêu trò lừa đảo bắt đầu nở rộ. Một trong những chiêu lừa đảo phổ biến hiện nay là mạo danh các trang thương mại điện tử, hệ thống siêu thị... để tặng quà tri ân, sau đó dụ dỗ người dân tham gia đầu tư sinh lời.

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường thương mại điện tử

Nhóm PV |

Ngày 6.12, Báo Lao Động tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Cương quyết đấu tranh, xử lý các vi phạm trên thương mại điện tử”, nhằm đưa ra những giải pháp đồng bộ, để đấu tranh, kiểm tra, kiểm soát, xử lý các vụ vi phạm về buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại, nguồn gốc xuất xứ, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh.

Phục hồi nơi thờ tự thân mẫu vua Gia Long

PHÚC ĐẠT - NGUYỄN LUÂN |

HUẾ - Điện Thoại Thánh, nơi thờ tự thân mẫu vua Gia Long lâu nay đang là một "phế tích", chỉ sót lại hệ thống móng điện với đầy cỏ dại mọc lên.

Diễn viên Mạnh Quân: Tôi lợi thế và cũng bất lợi khi trẻ đẹp

NHÓM PV |

Trong chương trình Cà phê chiều thứ 7, diễn viên Mạnh Quân có cuộc trò về về cuộc sống, sự nghiệp sau hành trình dài kể từ "Nhật ký Vàng Anh".

Bác sĩ bật khóc khi hiến tặng giác mạc của mẹ

Lệ Hà |

Người bác sĩ quân y ôm mẹ lần cuối cùng sau khi hiến tặng giác mạc của mẹ để mang lại ánh sáng cho người khác.

Dự báo giá vàng thời gian tới, đầu tư như nào để chốt lời?

Hoàng Xuyến - Việt Anh |

Với lộ trình bắt đầu cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, các chuyên gia dự báo giá vàng nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng trong dài hạn.

344 người chết và mất tích, thiệt hại 81.503 tỉ do bão số 3

PHẠM ĐÔNG |

Siêu bão số 3 đã làm cho 344 người chết và mất tích, tổng thiệt hại kinh tế ước tính ban đầu 81.503 tỉ đồng.

Truy thu thuế, xử lý 1.061 cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử

Minh Ánh |

Ngày 21.12, Tổng cục Thuế cho biết, năm 2023, đơn vị đã truy thu, xử lý vi phạm thuế đối với 179 doanh nghiệp và 1.061 cá nhân có hoạt động kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử với số tiền khoảng 275 tỉ đồng.

Nở rộ chiêu mạo danh các trang thương mại điện tử, hệ thống siêu thị dịp cuối năm

KHÁNH AN |

Cuối năm là thời điểm các chiêu trò lừa đảo bắt đầu nở rộ. Một trong những chiêu lừa đảo phổ biến hiện nay là mạo danh các trang thương mại điện tử, hệ thống siêu thị... để tặng quà tri ân, sau đó dụ dỗ người dân tham gia đầu tư sinh lời.

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường thương mại điện tử

Nhóm PV |

Ngày 6.12, Báo Lao Động tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Cương quyết đấu tranh, xử lý các vi phạm trên thương mại điện tử”, nhằm đưa ra những giải pháp đồng bộ, để đấu tranh, kiểm tra, kiểm soát, xử lý các vụ vi phạm về buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại, nguồn gốc xuất xứ, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh.