Cứu trợ y tế
Đầu năm 2021, người dân vùng đảo xa xôi Saint Helena, đảo núi lửa nằm ở phía Nam Đại Tây Dương, lãnh thổ hải ngoại thuộc Anh, đã nhận được những liều vaccine phòng COVID-19 đầu tiên do Hãng hàng không Titan Airways (Anh) chuyển đến. Đây là một trong hai chuyến bay vận chuyển vaccine hãng đưa tới hòn đảo này.
Ông Alastair Wilson, Giám đốc điều hành Titan Airways, chia sẻ: “Chúng tôi vô cùng tự hào khi được vận chuyển vaccine và vật dụng thiết yếu tới những vùng biển thuộc lãnh thổ nước Anh”.
Chuyến bay của Titan Airways chỉ là một trong số ít các hoạt động của hàng không khắp thế giới đang thực hiện vào thời điểm này, đóng góp quan trọng vào phòng chống dịch, phục hồi nền kinh tế toàn cầu.
Trong số các hãng hàng không trên thế giới, Emirates đi đầu về vận chuyển hàng cứu trợ nhân đạo, giúp thế giới chống lại đại dịch. Hãng đã vận chuyển hàng nghìn tấn quần áo bảo hộ PPE, đồ dùng y tế và gần 60 triệu liều vaccine đến các quốc gia đang phát triển.
Tại Việt Nam, khi dịch COVID-19 xuất hiện, Vietjet nhanh chóng triển khai vận chuyển miễn phí vật tư, trang thiết bị y tế hỗ trợ công tác phòng, chống dịch; vận chuyển miễn phí các y bác sĩ, nhân viên y tế tham gia phòng chống dịch. Hãng cũng tặng hàng triệu khẩu trang cho người dân các nước Anh, Pháp, Đức, Mỹ.
Gần đây, các hãng hàng không đã tham gia tích cực vào vận chuyển hàng cứu trợ tới Ấn Độ, như Emirates vận chuyển hàng cứu trợ y tế của WHO, giúp tiết kiệm chi phí cho các tổ chức phi chính phủ. Qatar Airways vận chuyển miễn phí 300 tấn thiết bị y tế từ các nhà cung cấp toàn cầu tới Ấn Độ. Lufthansa Cargo vận chuyển khoảng 10 tấn thiết bị y tế, trong đó có 280 máy tạo oxy, đến New Delhi…
Nhằm khai thác năng lực quý giá của các hãng hàng không, đầu năm 2021, UNICEF đã đưa ra Sáng kiến Vận chuyển hàng không nhân đạo, tập hợp các hãng hàng không có đường bay đến hơn 100 quốc gia để vận chuyển vaccine đến tiêm chủng cho người dân thế giới. Bà Etleva Kadilli, Giám đốc Bộ phận cung ứng của UNICEF, cho biết: “Vận chuyển vaccine là một công việc quan trọng và phức tạp do yêu cầu về dây chuyền lạnh và sự đa dạng của các tuyến đường. Chúng tôi biết ơn các hãng hàng không đã hợp tác với UNICEF để hỗ trợ triển khai vaccine”.
Bay giải tỏa hành khách
COVID-19 bùng phát kéo theo nhu cầu hồi hương phòng tránh dịch nên các hãng hàng không đã đẩy mạnh các chuyến bay mang tính nhân đạo: giải tỏa hành khách.
Nhiều kỷ lục mới trong hoạt động bay giải tỏa hành khách đã được thiết lập như chuyến bay thẳng hơn 16.000km do Austrian Airlines thực hiện từ Sydney (Úc) tới Vienna (Áo). Qantas lần đầu tiên sử dụng siêu máy bay A380 để bay thẳng từ Úc đến London (Anh). El Al thực hiện chuyến bay lâu nhất của mình, dài hơn 17 tiếng, từ Melbourne (Úc) đến Tel Aviv (Israel). Hãng bay SAS lập kỷ lục của hãng với chuyến bay thẳng 11.000km, kéo dài 15 tiếng từ Lima (Peru) về Copenhagen (Đan Mạch). Swiss International Airlines lần đầu tiên bay tới Chile để đưa công dân Thụy Sĩ hồi hương. Air Tahiti Nui bay chuyến bay nội địa dài nhất, 15 tiếng, từ Paris tới Papeete, thủ phủ của Polynesia thuộc Pháp…
Đầu tháng 7.2020, chuyến bay đặc biệt nhất của Vietjet đã bay đến hai quốc gia Nam Á là Sri Lanka và Bangladesh để đón hơn 200 người Việt Nam mắc kẹt tại Sri Lanka, Bangladesh, Nepal và Maldives về nước. Tổng thời gian chuyến bay là 18 tiếng.
Ngoài ra, từ khi dịch bùng phát, Vietjet đã thực hiện hàng trăm chuyến bay, giải tỏa hàng trăm nghìn hành khách, không một thành viên phi hành đoàn hay hành khách nào nhiễm bệnh trong thời gian bay. Vietjet được Trang đánh giá an toàn hàng không AirlineRatings vinh danh là hãng hàng không đạt 7/7 sao, mức cao nhất về thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 dành cho các hãng hàng không toàn cầu.
Có thể nói, dù đại dịch COVID-19 tác động xấu đến nền kinh tế nhưng ngành hàng không vẫn là một “điểm sáng” khi vừa duy trì tốt hoạt động kinh doanh, vừa tham gia tích cực vào các hoạt động phòng chống đại dịch, góp phần giúp nền kinh tế toàn cầu nhanh chóng phục hồi.