Hồi phục từ những giá trị không thể bị đánh mất

Thế Lâm |

Từ cuối năm 2021 đến nay,  khi thành phố từng bước nới lỏng giãn cách, các hoạt động kinh tế được khôi phục, bộ mặt TPHCM cũng khởi sắc một cách nhanh chóng.

Sức sống phố xá khi dịch vụ mở cửa trở lại

Thạc sĩ Mai Tuyết phụ trách hoạt động marketing cho một công ty công nghệ Châu Âu tại TPHCM nhận xét: “Thời điểm giãn cách nhìn thấy khung cảnh thành phố buồn bã, chết chóc thì sau khi hàng quán được mở lại, bộ mặt phố xá từng bước đã lấy lại sức sống”.

Cái nhìn của thạc sĩ Mai Tuyết có lẽ cũng là một trong số rất nhiều sự nhìn nhận tương đồng với thực tế hồi sinh trở lại về nhiều mặt tại TPHCM được thể hiện qua những con số thống kê. Bộ mặt đô thị TPHCM “xuân sắc” trở lại trước hết được thúc đẩy nhờ hoạt động kinh doanh, dịch vụ và tiêu dùng của xã hội.

Từ tháng 10.2021 đến hết tháng 3.2022, trải qua 6 tháng sau giãn cách, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của TPHCM liên tục tăng cho thấy sự hồi phục nhanh chóng. Cụ thể, thời điểm tháng 10.2021 khi TPHCM mở cửa một phần, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 43.600 tỉ đồng. Đến tháng 3.2022, tổng mức này đã tăng lên 92.690 tỉ đồng, tăng 8,4% so với tháng liền trước và tăng 3% so với cùng kỳ năm trước.

“6 tháng trở về trước, trong những ngày phải làm việc tại nhà nhiều lúc đầu óc tôi luôn bị ám ảnh bởi tiếng còi xe cứu thương inh ỏi suốt từ mờ sáng cho đến nửa đêm, ám ảnh những con số ca bệnh nặng và tử vong... Bây giờ tại thời điểm giữa tháng 4.2022, đi ra phố, đến văn phòng làm việc hay đi mua sắm, ăn uống… tôi cảm nhận tất cả đã trở lại bình thường, dường như những tiếng còi xe cứu thương inh ỏi ngày đêm đã chìm vào miền ký ức rất xa rồi” - thạc sĩ Mai Tuyết bộc bạch.

Hồi phục nhanh hơn dự kiến

Trao đổi với chúng tôi tại thời điểm tháng 12.2021 về tình hình sản xuất của các doanh nghiệp thuộc Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA), ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký HAWA - dự báo rằng, có lẽ ít nhất phải tới cuối quý I/2022 lao động của ngành mới có thể trở lại 100% giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất ổn định. Nhưng theo thông tin từ HAWA, ngay sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần rơi vào giữa tháng 2.2022, hầu hết các doanh nghiệp trong ngành đã được khách hàng ký hợp đồng cả năm. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp chỉ muốn ký hợp đồng nhận đơn đặt hàng trong 6 tháng vì muốn chờ giá cả thành phẩm được điều chỉnh tăng trong bối cảnh giá nguyên vật liệu, nhân công đều tăng khá mạnh.

Với ngành lương thực thực phẩm tại TPHCM, tình hình của các doanh nghiệp sản xuất chế biến còn khả quan hơn. Trao đổi với chúng tôi, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM (FFA) - cho biết, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán hầu như 100% các doanh nghiệp thành viên đã đi vào sản xuất ổn định và lao động trở lại làm việc đạt trên 80% tại nhiều doanh nghiệp, không ít đơn vị đạt 100%. Bà Lý Kim Chi chia sẻ: “Những tín hiệu khả quan giúp các doanh nghiệp trong ngành hy vọng vào sự khởi sắc kinh doanh trong năm 2022 này”.

Dịch vụ xe ôm công nghệ sôi động là một trong những dấu hiệu cho thấy hoạt động kinh tế xã hội tại TPHCM đã trở lại bình thường.
Dịch vụ xe ôm công nghệ sôi động là một trong những dấu hiệu cho thấy hoạt động kinh tế xã hội tại TPHCM đã trở lại bình thường.

Theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, ngay trong lúc dịch bệnh bùng phát căng thẳng, các doanh nghiệp tại TPHCM vẫn miệt mài tìm kiếm những phương án để tồn tại, để đáp ứng được nhu cầu sản xuất tiêu dùng của người dân TPHCM và cả nước nói chung, để đáp ứng việc cung ứng hàng hóa để duy trì các hợp đồng xuất khẩu với đối tác nước ngoài. Những mô hình, phương án sản xuất như  “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến”, hay những hoạt động mang tính khép kín “bong bóng”, đã góp phần kéo giảm mức độ suy thoái kinh tế TPHCM trong quý IV/2021 và các dấu hiệu phục hồi xuất hiện.

Từ chỗ một doanh nghiệp trong cuộc và cũng đại diện cho Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM, bà Lý Kim Chi cho rằng, trong thời gian giãn cách doanh nghiệp gặp muôn vàn khó khăn, Chính phủ, UBND TPHCM luôn có những phản hồi, vào cuộc nhanh chóng, cụ thể là thông qua, ban hành các chính sách tạo thuận lợi giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.

Những giá trị không thể bị đánh mất: Nghĩa tình và bao dung

Trong khoảng thời gian diễn biến của đợt bùng phát thứ 4 dịch COVID-19 tại TPHCM với biến chủng Delta hoành hành gây bao đau thương và chết chóc, những truyền thống, nghĩa cử cao đẹp của người dân tại TPHCM lại được phát huy rộng rãi và mạnh mẽ hơn lúc nào hết. Anh Lý Việt Cường - Chủ doanh nghiệp du lịch Nam Phương Tourist - cho biết, trong những tháng cao điểm dịch tại TPHCM hầu như những người còn ở lại TPHCM làm việc của công ty đều dốc sức vào công tác thiện nguyện phòng chống dịch.

Ngoài ra, với vai trò dẫn đầu, anh Cường còn tổ chức những đoàn xe caravan chuyển sang làm công tác thiện nguyện như đi phun xịt sát khuẩn, vận chuyển thực phẩm từ các đầu mối đến các khu vực người dân đang thiếu thốn và cần kíp, vận chuyện thiết bị y tế, đồ bảo hộ, thực phẩm đến các khu cách ly, cho y bác sĩ…

“Nhớ lại những ngày đó, mỗi thành viên của Phương Nam Tourist và thành viên diễn đàn cứ như những chiến binh phòng chống dịch, không nề hà mệt mỏi và hiểm nguy” -  anh Cường thổ lộ.

Hoạt động bán lẻ mở cửa trở lại tạo nên sức sống mới cho thị trường TPHCM. Ảnh: THẾ LÂM
Hoạt động bán lẻ mở cửa trở lại tạo nên sức sống mới cho thị trường TPHCM. Ảnh: THẾ LÂM

Những ngày tháng đó, cả thành phố dường như ai cũng có thể làm công tác thiện nguyện, người góp công, người góp của, cùng chung tay và cùng góp phần giúp đẩy lùi dịch bệnh để phục hồi sản xuất kinh doanh sớm hơn, cung ứng hàng hóa kịp thời hơn đến người dân đang gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh giãn cách. Bà Phạm Thị Huân - Chủ tịch Công ty TNHH Ba Huân chuyên sản xuất trứng gia cầm - chia sẻ câu chuyện cảm động đầy nghĩa tình: “Có thời điểm xe của công ty chúng tôi chở hàng không kịp đưa từ tỉnh lên sài Gòn, Saigon Co.op đã cho xe xuống chở hàng giúp”.

Doanh nghiệp hỗ trợ với những khó khăn với doanh nghiệp, đồng thời cũng chia sẻ khó khăn với người dân. “Nếu tôi tăng giá trứng tại thời điểm dịch căng thẳng, mỗi ngày có thể kiếm thêm 200 triệu đồng, trong vài ba tháng có thể kiếm thêm được hàng chục tỉ đồng. Nhưng tôi không làm vậy, tôi không có tiền tặng Chính phủ để mua vaccine vì tôi không có tiền nhiều, thì tôi đóng góp bằng cách không tăng giá trứng” - bà Huân bộc bạch.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TPHCM - cho rằng: “Những doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá tại TPHCM trong những năm qua phải hy sinh một phần lợi ích. Trong khó khăn doanh nghiệp luôn chia sẻ, vì TPHCM là thành phố nghĩa tình, nghĩa tình là một giá trị tốt đẹp mà doanh nghiệp hướng đến”.

PGS-TS Trần Hoàng Ngân nhìn nhận, sự chia sẻ của người dân thành phố với những người khó khăn “không cần biết anh là ai, không cần biết anh từ đâu”, cứ có khó khăn là có sự chia sẻ, đùm bọc lẫn nhau. Trong đợt bùng phát dịch COVID-19, sự hỗ trợ về an sinh xã hội tại thành phố đã không để ai ở lại phía sau. Mỗi cá nhân cũng cảm thấy mình có trách nhiệm đóng góp vào sự san sẻ, hỗ trợ.

Ông Ngân hé lộ, khi đó dù đang gặp rất nhiều khó khăn vì dịch bệnh, nhiều doanh nhân dù đang thua lỗ, nhưng vẫn tiếp tục bỏ tiền ra để hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch, hỗ trợ an sinh xã hội, chấp nhận lỗ tiếp… “Dù đau thương mất mát, nhưng trên hết là tinh thần đoàn kết dân tộc, tinh thần tương thân tương ái lá lành đùm lá rách, chia sẻ với nhau đầy cảm động từ những nghĩa cử cao đẹp, đáng yêu. Sự nỗ lực này giúp cho những người lao động đang gặp khó khăn tiếp tục ở lại thành phố để sẵn sàng bắt tay vào lao động sản xuất kinh doanh trong lúc đang có dịch…”,  vị viện trưởng cho biết.

Thế Lâm
TIN LIÊN QUAN

Du lịch hồi phục: Bỏ khai báo y tế trong "5K" chưa đủ, nên rút thành "2K"

Phạm Đông |

Bộ Y tế cho biết sẽ bỏ khai báo y tế, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng quy định "khoảng cách, không tụ tập" trong 5K đã lỗi thời, cần điều chỉnh thành 2K khi kỳ nghỉ lễ đang đến gần.

TPHCM năm 2021: Hỗ trợ hồi phục sản xuất, phát triển thị trường

AN NGUYÊN |

Năm 2020, kinh tế TPHCM đã gặp không ít khó khăn vì dịch bệnh COVID-19. Trong năm 2021, chính quyền Thành phố sẽ triển khai nhiều kế hoạch để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường.

Tăng trưởng tín dụng sẽ hồi phục mạnh sau dịch

Cẩm Hà |

Được hỗ trợ bởi nguồn vốn lãi suất thấp cũng như các chính sách hỗ trợ nền kinh tế của Chính phủ, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng được dự báo sẽ hồi phục rõ rệt từ quý II và tăng mạnh từ quý III/2020 khi tình hình dịch COVID-19 đang được kiểm soát hiệu quả.

Báo Lao Động đoạt giải Nhì chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Vương Trần |

Nhóm tác giả của Báo Lao Động đoạt giải Nhì "Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng năm 2024" trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng nghỉ hưu trước tuổi

HOÀI THANH |

Lâm Đồng - Ông Trần Đình Văn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, đã nhận quyết định chính thức nghỉ hưu trước tuổi.

Cựu Chủ tịch FLC và 2 em gái xin giảm án

Việt Dũng |

Trong số 25 người kháng cáo, ông Trịnh Văn Quyết - cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC và em gái đều xin giảm nhẹ hình phạt và giảm trách nhiệm dân sự.

Bệnh nhân ung thư hy vọng được thêm thuốc vào danh mục BHYT

Cao Thơm - Phương Anh |

Trước kiến nghị từ cử tri về việc xem xét, cập nhật danh mục thuốc ung thư mới cho bảo hiểm y tế (BHYT), niềm hy vọng đang nhen nhóm trong lòng nhiều bệnh nhân.

Xem xét kỷ luật đối với cô giáo có lời lẽ thiếu chuẩn mực

NGUYỄN TRƯỜNG |

Ninh Bình - Vụ việc cô giáo bị tố có lời lẽ thiếu chuẩn mực với học sinh, Ban Giám hiệu nhà trường đang xem xét để có hình thức kỷ luật.