Trước đó, Bộ GTVT cũng cho rằng, việc xây tới 40-70 tầng khi cải tạo ga Hà Nội sẽ gây áp lực lên hạ tầng giao thông. Như vậy, với ý kiến của hai bộ đều không đồng tình với đề án này. Trao đổi với Lao Động, chiều ngày 21.12, lãnh đạo UBND TP.Hà Nội cho rằng, trên cơ sở ý kiến các bộ, ngành tư vấn dự án sẽ tập hợp để làm lại phương án khác. Với khẳng định từ lãnh đạo Hà Nội, ông Đỗ Viết Chiến - nguyên Cục Trưởng Cục Phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng) khẳng định: Nếu Hà Nội không giải được bài toán áp lực hạ tầng thì không có căn cứ để làm.
Các bộ lo ngại phá vỡ hạ tầng
Theo Bộ Xây dựng, nội dung đồ án quy hoạch phân khu ga Hà Nội đề xuất cải tạo và xây dựng mới trong phạm vi hơn 98ha trong đó xây dựng mới một số công trình cao tầng (từ 40-70 tầng, chiều cao tới 200m) sẽ có tác động lớn về giao thông và không gian kiến trúc - cảnh quan đô thị đối với khu vực ga nói riêng và khu nội đô lịch sử Hà Nội nói chung. “Điều này chưa phù hợp với quy hoạch chung đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2011” - ý kiến Bộ Xây dựng nhấn mạnh.
Bộ Xây dựng cho biết, đồ án cho biết hiện trạng dân số khu vực này khoảng 40.300 người, dự kiến sau quy hoạch sẽ tăng lên khoảng 44.000 người nên nếu thực hiện thì sẽ làm tăng một số lượng khách vãng lai đến sử dụng các dịch vụ trong khu vực. Do đó, Bộ Xây dựng yêu cầu Hà Nội nghiên cứu, dự báo và tính toán kỹ về dân số để đảm bảo không gây ra tình trạng quá tải về cơ sở hạ tầng đô thị, đặc biệt là giao thông.
“TP.Hà Nội cần làm rõ giải pháp và sự gắn kết giữa hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, công nghệ quản lý khai thác gắn với mạng lưới đường bộ, đường hầm đi bộ, giải pháp quy hoạch sử dụng đất và hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác (cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc…) nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong quy hoạch và đầu tư xây dựng. Bổ sung và làm rõ các nội dụng tiếp thu, giải thích các ý kiến góp ý của các tổ chức, các nhân và nhân dân trong khu vực trong quá trình lập, thẩm định quy hoạch” - văn bản Bộ Xây dựng lưu ý.
Trong khi đó, Bộ GTVT cũng có đồ án chưa tính toán kỹ lượng khách ra/vào các khu vực thương mại trong phạm vi quy hoạch khi hình thành các trung tâm thương mại tập trung tại khu vực này; chưa tận dụng, khai thác triệt để không gian ngầm khu vực ga Hà Nội.
Bộ GTVT cho rằng Hà Nội phải đặc biệt cần rà soát kỹ khả năng đáp ứng nhu cầu vận tải khi dân số quy hoạch tại đồ án này tăng 220% so với nhiệm vụ được duyệt, và 120% so với hiện trạng. “Ga Hà Nội là trung tâm trung chuyển đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị. Với vai trò là đầu mối giao thông, nếu kết hợp với các trung tâm thương mại, mật độ giao thông khu vực quy hoạch sẽ tăng lên rất nhiều” - ý kiến Bộ GTVT nêu rõ.
Chỉ làm khi giải được bài toán hạ tầng
Trao đổi với PV Lao Động chiều 21.12, lãnh đạo của UBND TP.Hà Nội cho biết, việc lấy ý kiến các bộ về đề án cải tạo ga Hà Nội là thực hiện theo quy trình. Về ý kiến các bộ không đồng tình thì trên cơ sở đóng góp của các bộ, ngành thì tư vấn sẽ làm lại. “Đây là ý kiến các bộ, ngành chứ không phải quyết định cuối cùng” - lãnh đạo TP.Hà Nội cho hay.
Nếu thực hiện theo đề án cải tạo ga Hà Nôi, các khối nhà từ 40 đến 70 tầng sẽ mọc lên sừng sững ngay nội đô lịch sử (đường vành đai 2 trở vào trung tâm thành phố). Việc này đã làm dậy sóng phản biện trong giới kiến trúc sư. Với Báo Lao Động, ngay từ khi đồ án công bố đã có hàng loạt bài đưa ý kiến các chuyên gia xây dựng, kiến trúc sư lên tiếng phản đối. Trong đó, Báo Lao Động đặt thẳng nghi vấn có bàn tay vô hình lợi ích nhóm mượn quy hoạch ga nuốt đất vàng.
Trao đổi với Lao Động về ý kiến dư luận phản đối, hai Bộ Xây dựng và GTVT không đồng tình, vậy Hà Nội có nên tiếp tục theo đuổi đồ án này? ông Đỗ Viết Chiến - nguyên Cục Trưởng Cục Phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng) nhấn mạnh, Hà Nội phải rất nghiêm túc khi các chuyên gia, các bộ, ngành có ý kiến phản đối. “Các bộ đều có lo lắng chung về chịu tải hạ tầng, Hà Nội muốn tiếp tục thì phải chứng minh hạ tầng chịu được tải. Nếu Hà Nội không giải được bài toán áp lực hạ tầng thì không có căn cứ để làm” - ông Chiến nói.