Nguồn cung tăng
Theo ông Nguyễn Văn Long – Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT), trong 6 tháng đầu năm 2021, dịch tả lợn Châu Phi tiếp tục được kiểm soát, chỉ còn phát sinh những ổ dịch nhỏ lẻ. Đến cuối tháng 6.2021, tổng số lợn của cả nước ước tăng 11,6% so với cùng thời điểm năm 2020, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt trên 2.002,2 nghìn tấn, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước.
Để cân đối nguồn cung, Cục Chăn nuôi cũng đã lên kế hoạch, yêu cầu rà soát, điều chỉnh quy mô đàn gia cầm phù hợp với nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Năm 2021, dự kiến đàn gia cầm đạt 512,9 triệu con (trong đó đàn gà là 410,7 triệu con), sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng đạt khoảng 1,5 triệu tấn, sản lượng trứng gia cầm các loại đạt 14,7 tỉ quả.
Bên cạnh nguồn trứng, thịt gia súc, gia cầm chăn nuôi trong nước, thịt nhập khẩu cũng bổ sung vào nhu cầu tiêu dùng trong nước. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2021, lượng nhập khẩu thịt lợn đạt 152,5 nghìn tấn, tăng 109,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Cùng với thịt, trứng, sữa, ngành trồng trọt cũng đẩy mạnh quy mô, tập trung vào các loại cây lương thực, hoa màu, cây ăn quả… chất lượng cao, mang lại giá trị lớn.
Trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho hay: “Sản lượng lúa của Việt Nam hàng năm đạt khoảng 43 triệu tấn, bên cạnh đó còn các loại cây hoa màu khác. Chúng ta hoàn toàn có khả năng cung ứng đủ lương thực, thực phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và còn dư để xuất khẩu”- ông Nguyễn Như Cường khẳng định.
Hệ thống bán lẻ đã ổn định trở lại, sẵn sàng cung ứng
Trước diễn biến của dịch bệnh COVID-19, hàng loạt tỉnh, thành phố đã chủ động phương án cung ứng hàng hóa, dự tính trường hợp dịch COVID-19 diễn biến phức tạp hơn. Có mặt tại siêu thị Big C Thăng Long (Hà Nội), PV ghi nhận lượng hàng hóa dồi dào, ổn định, không có tình trạng người dân đổ xô mua gom thực phẩm để tích trữ.
Ông Nguyễn Anh Đức – Tổng Giám đốc Saigon Co.op khẳng định: "Hệ thống Co.opmart, Co.opxtra, Co.opfood hàng hóa rất nhiều, người dân không cần phải dồn dập mua sắm, tích trữ. Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Saigon Co.op tăng trữ lượng hàng hóa thiết yếu và nâng cao mức độ chống dịch tại toàn bộ hệ thống bán lẻ và kêu gọi sự phối hợp của người dân thực hiện hướng dẫn các biện pháp an toàn khi đến siêu thị".
Bên cạnh bán hàng qua điện thoại, hầu như tất cả các app công nghệ hiện nay đều có liên kết với Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food để đồng loạt giao hàng cho khách.
Saigon Co.op đã kịp thời bổ sung thêm khoảng 7.000 mặt hàng nhu yếu phẩm lên trang https://cooponline.vn để đáp ứng nhanh nhu cầu đặt hàng online giao hàng tận nhà đang tăng đột biến của người dân, đặc biệt là khu vực TPHCM. Trang https://cooponline.vn có khoảng 7.000 mặt hàng của đầy đủ tất cả 5 ngành hàng để người dân dễ dàng lựa chọn, gồm thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, hóa phẩm may mặc và đồ dùng nhà bếp.
"Người dân nên ưu tiên sử dụng những kênh online này, đặt hàng nhu yếu có chọn lọc, hạn chế đặt dồn dập nhiều đơn hàng một lúc vào các khung giờ cao điểm sẽ dễ gây tắc nghẽn” – ông Nguyễn Anh Đức nói.
Sở Công Thương tỉnh Cà Mau đã xây dựng 3 tình huống đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu nhằm cung ứng đủ lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm khác đề phòng trường hợp xấu nhất có thể xảy ra. Hiện trên địa bàn tỉnh Cà Mau có 7 siêu thị và trung tâm thương mại, 11 cửa hàng tiện lợi, 72 điểm chợ.
Hiện nay, các mặt hàng thiết yếu cơ bản đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân trong tỉnh, với giá cả ổn định, không xảy ra hiện tượng khan hiếm, thiếu hàng.