Báo online: Chưa sống được bằng việc bán nội dung
Theo số liệu thống kê, trong năm 2017, tổng doanh thu phát sinh trong lĩnh vực báo chí đạt hơn 13.000 tỉ đồng. Trong đó, tổng doanh thu trong lĩnh vực báo in và điện tử ước đạt khoảng 2.600 tỉ đồng; doanh thu của các đài phát thanh, truyền hình đạt khoảng 10.500 tỉ đồng, trong đó doanh thu quảng cáo khoảng trên 8.900 tỉ đồng, giảm 7,2% so với năm 2016.
Tổng doanh thu trên nếu chia cho tổng số người làm việc trong lĩnh vực báo chí (chỉ riêng số người được cấp thẻ nhà báo là hơn 18.000 người) cho thấy doanh thu/người tương đối thấp, chỉ vài trăm triệu đồng/năm. Thực tế này cũng phản ánh rõ nét doanh thu quảng cáo báo in mỗi năm ngày càng suy giảm. Nói như ông Trần Minh Hùng, dù các báo đã tập trung nguồn lực phát triển báo trực tuyến/online nhưng đang gặp sự cạnh tranh khốc liệt của mạng xã hội, vì vậy theo thực tế thì báo online tại Việt Nam có nguồn thu còn ít ỏi.
Một số báo trên thế giới như New York Times đã bán thông tin báo trực tuyến, tuy nhiên tại Việt Nam, việc này vẫn chưa hiện thực hóa được. Theo bà Đặng Thị Thu Hương - Giảng viên Khoa Báo chí và Truyền thông Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội – mô hình thông tin trong thời kì báo in suy thoái đang cần thay đổi đi vào thị trường ngách, báo khổ nhỏ, báo/tạp chí cuối tuần phát hành miễn phí để thu hút quảng cáo.
Nguồn thu quảng cáo online giảm, lại do Google và Facebook chi phối
Theo ông Trần Minh Hùng, hiện nguồn thu của báo chí 80% đến từ quảng cáo, tuy nhiên nhìn chung đang sụt giảm từng năm. Theo thống kê, cả nước hiện có 849 cơ quan báo; trong đó có 195 cơ quan báo chí điện tử và 171 cơ quan báo, đài, tạp chí thực hiện loại hình điện tử, 178 trang thông tin điện tử tổng hợp được cấp phép hoạt động, thế nhưng chỉ chiếm vỏn vẹn 7% thị phần quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam, còn lại phần lớn rơi vào tay Google và Facebook (khoảng 66%), các mạng lưới quảng cáo trực tuyến (Ad Network) chiếm 27%.
Để thúc đẩy kinh tế báo chí, bên cạnh việc cần thay đổi cấu trúc hoạt động kinh tế của các cơ quan báo, ông Trần Minh Hùng đề xuất nên có sự liên kết, liên minh và hợp tác xây dựng các mạng quảng cáo mới và không sử dụng các công cụ quản lí dịch vụ quảng cáo của Google, Facebook. Muốn vậy, các cơ quan báo cần sự đầu tư không nhỏ.
Song vấn đề ngán ngại, chính là tình trạng vi phạm bản quyền về nội dung. Theo ông Hùng, các cơ quan quản lí phải có sự hỗ trợ chống ăn cắp bản quyền để báo chí mạnh dạn đầu tư và bảo đảm được nguồn thu.