Không thể chi trả lương cho người lao động
Mới đây như Báo Lao Động đã phản ánh, việc dừng dự án mỏ sắt Thạch Khê từ năm 2011 đang có ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động của Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC).
Trong đó, nặng nề nhất, theo như công ty này cho hay là dự án dừng hoạt động nhưng đơn vị vẫn phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Cơ quan thuế đã thực hiện cưỡng chế thuế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn và phong tỏa tài khoản.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, lãnh đạo Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê cho biết, tình hình của đơn vị đang hết sức khó khăn.
"Việc cơ quan chức năng phong toả tài khoản, phong toả hoá đơn đối với TIC gây nên những hệ luỵ vô cùng lớn. TIC không thể chi trả tiền lương, ảnh hưởng quyền lợi chính đáng của 70 người lao động.
TIC không có khả năng thanh toán các khoản nợ, hoàn toàn bị mất điều kiện sản xuất kinh doanh bình thường. Nghiêm trọng hơn là khó khăn bảo toàn hơn 1.000 tỉ đồng vốn Nhà nước đã được đầu tư vào công ty theo quyết định của các cấp có thẩm quyền" - đại diện Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê cho hay.
Được biết, phía TIC đã nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cho các năm 2014, 2015, còn nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của các năm 2016, 2017.
Từ năm 2018, TIC đã có các văn bản báo cáo Chính phủ, Bộ ban ngành đề nghị lùi thời gian nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của doanh nghiệp.
Đến thời điểm hiện tại, Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê tiếp tục bày tỏ mong muốn được lùi thời hạn nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đến khi được cấp thẩm quyền cho phép tái khởi động dự án; không bị tính tiền chậm nộp trong thời gian tạm dừng dự án.
"Khi dự án được phép khởi động trở lại, TIC sẽ thực hiện nghĩa vụ nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định" - đại diện Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê cho biết.
Công ty thuộc đối tượng được gia hạn thuế
Trao đổi với PV, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng cho biết đã có nhiều văn bản báo cáo, đề xuất các cấp có thẩm quyền đề nghị xử lý khó khăn, vướng mắc cho Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, UBND tỉnh Hà Tĩnh và Cục thuế Tỉnh Hà Tĩnh chưa giải quyết lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; dừng việc phong toả hoá đơn, phong tỏa tài khoản đối với TIC.
Đáng chú ý, vào ngày 2.3, Bộ Tài nguyên Môi trường đã có văn bản gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê thuộc đối tượng được tạm dừng nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 9 Nghị định số 67/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
Theo đó, trường hợp phải tạm dừng khai thác khoáng sản do yêu cầu hoặc được xác nhận của UBND tỉnh thì thời điểm nộp số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản phát sinh trong kỳ (nếu có) được lùi bằng thời gian phải tạm dừng khai thác khoáng sản, nhưng không vượt quá thời gian khai thác còn lại của giấy phép.
Tổ chức, cá nhân thuộc những trường hợp này cũng không phải tính tiền chậm nộp trong thời gian tạm dừng khai thác khoáng sản.
"Đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh báo cáo Bộ Tài chính để chỉ đạo Tổng cục Thuế và Cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh xem xét cho Công ty lùi thời điểm thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cho đến khi dự án được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép hoạt động khai thác khoáng sản trở lại và dừng cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế đối với Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê" - văn bản Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu rõ.
Về vấn đề này, theo biên bản làm việc ngày 28.3 giữa Cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh và các sở ngành liên quan cùng đại diện Công ty cổ phần sắt Thạch Khê, ông Trương Quang Long - Phó Cục trưởng Cục thuế tỉnh kết luận tình hình hiện tại của TIC đang rất khó khăn, việc giải quyết vấn đề nợ thuế của đơn vị cũng kéo dài thời gian lâu, qua nhiều cơ quan chức năng nhưng chưa giải quyết được.
Các Sở ngành đã thống nhất đề xuất UBND tỉnh báo cáo Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ giải quyết cho công ty theo trường hợp gia hạn nộp thuế trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Luật quản lý thuế.
Đầu tháng 5, UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết giữ nguyên quan điểm đề nghị dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê, dù Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã có đề xuất Chính phủ cho khai thác lại mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á này hồi đầu năm nay. Động thái trên khiến cho việc giải quyết những khó khăn ở Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê tiếp tục trở nên nan giải.