Ông Phạm Thanh Tùng - Trưởng Ban quản lý chợ Vĩnh Long - cho biết, đến 11 giờ trưa ngày 9.2 (30 Tết), tình hình tiêu thụ các loại hoa cúc, vạn thọ, hoa hồng… tương đối cao, số hoa còn lại đang được thương lái giảm giá để bàn giao lại mặt bằng.
Theo ông Tùng, riêng mai, tắc và hoa giấy có sức mua rất chậm, chỉ mới tiêu thụ được khoảng 40 - 50%. Nhiều tiểu thương ở huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre đang giảm giá sâu để bán hết số cây còn lại.
Tiểu thương Nguyễn Thị Y (sinh năm 1956, ở huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) cho hay, bà đã gắn bó với nghề trồng và bán kiểng Tết trên 20 năm nay, nhưng chưa thấy năm nào sức mua yếu như thế này.
Bà Y tâm sự, dự báo trước tình hình nên năm nay bà chỉ mang theo 70 gốc tắc từ 1 - 5 năm tuổi. Bắt đầu bán từ ngày 31.1 (ngày 21 âm lịch) đến nay, đã 9 ngày nhưng chỉ bán được gần 40 chậu. “Những ngày đầu cây tắc cao trên 1m, lá xanh mướt, trái sum xuê được bán với giá 500.000 - 600.000 đồng. Giờ đây mời khách mua mỗi chậu chỉ 200.000 đồng, nhưng khách vẫn lắc đầu” - bà Y cho biết thêm.
Cùng chung hoàn cảnh “ế ẩm”, bà Năm Hoa (ở huyện Mang Thít) bán hoa giấy cho biết, năm nay, bà chỉ mang đến phiên chợ gần 100 gốc các loại. Giảm gần 50% so với năm 2023. “Sức tiêu thụ hoa giấy năm nay giảm rất nhiều. Khách hàng đến xem không hỏi giá rồi bỏ đi” - bà Hoa cho hay.
Đang buộc chậu hoa giấy vào yên xe, ông Trần Công Minh (ở phường 4, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) cho biết, ngày 26 Tết, ông đã mua 2 chậu hoa giấy với giá 200.000 đồng/chậu, hôm nay dạo chợ thấy hoa giấy giảm 50% giá bán nên mua thêm.
“Mua thêm chậu hoa giấy này là vừa muốn giúp người bán được hết hàng về quê sớm, sum họp với gia đình vừa có thêm chậu hoa giấy đang nở đẹp trưng trong nhà vào những ngày Tết” - ông Minh nói.
“Thời gian hoạt động tại chợ hoa Tết xuân Giáp Thìn 2024 đến 14h ngày 9.2 (30 Tết). Đến thời gian này, lực lượng Ban quản lý chợ, Công an, Quân sự tiến hành tiếp nhận mặt bằng để bố trí cho chương trình văn nghệ, pháo hoa nghệ thuật chào mừng giao thừa tối nay” - ông Tùng thông tin.