Có mạng xã hội nào nội dung không phải là “vua”?
Trên thực tế, có mạng xã hội nào muốn phát triển và tồn tại lâu dài mà không lấy nội dung làm yếu tố quan trọng nhất, ngay cả Facebook?
Từ nội dung (hình ảnh, các ghi chép, âm thanh, video, sách báo.v.v…) mới thu hút được người đọc và xem, sự quan tâm và chú ý, từ đó dẫn đến các kiểu tương tác (1 chiều và 2 chiều, đa chiều, nhiều lớp, đa tầng…). Các hoạt động và sự tương tác trên những nội dung được đang tải sẽ tạo ra năng lượng, và chính năng lượng đó là thứ tạo lực hấp dẫn, thu hút và níu chân người dùng.
Nội dung trên Lotus hay các mạng xã hội nói chung có thể do người dùng tự tạo (trực tiếp) hoặc dẫn lại từ các nguồn (gián tiếp). Lotus đang cho thấy một định hướng khá rõ về việc đẩy mạnh cả hai nguồn nội dung này thông qua việc tạo ra gần 50 format đa dạng như video giải trí, blog, hình ảnh, video nhanh, tạp chí, sách, nhạc…
Song song đó, Lotus cũng hợp tác với hơn 500 nhà sáng tạo nội dung thuộc hơn 20 lĩnh vực khác nhau, cùng trên 30 nguồn thông tin chính luận và báo chí để có thể dẫn nguồn nội dung gián tiếp.
“Tránh voi chẳng xấu mặt nào”?
CEO Nguyễn Thế Tân của VCCorp nhắc đi nhắc lại nhiều lần rằng Lotus không đi vào thị trường ngách và cũng không định cạnh tranh với mạng xã hội nào hay Facebook.
Bất cứ một mạng xã hội nào mới ra đời như Lotus nếu có “tránh voi” (Facebook) thì cũng “chẳng xấu mặt nào”.
Trên thực tế đó chỉ là cách nói. Nhiều mạng xã hội Việt trước đây thường tuyên bố “xanh rờn” rằng sẽ cạnh tranh trực tiếp với Facebook nhưng đã không làm được điều đó.
Còn Lotus, chưa làm được và cũng không tuyên bố như thế. Tuy nhiên, với hướng đi như Lotus, việc cạnh tranh tập người dùng với Facebook là chuyện sớm muộn cũng sẽ đến, mức độ cạnh tranh lớn hay nhỏ còn tùy thuộc vào từng thời điểm phát triển của mạng xã hội này.
Song nếu nhìn những gì Lotus muốn mang đến cho người dùng, có thể thấy một điều mạng xã hội này… không muốn tránh, đó là ôm đồm quá nhiều thứ, cảm giác dàn trải, mất đi những điểm nhấn cần được đầu tư sâu trước cho sớm thành hình rõ nét để thuyết phục, thu hút người dùng. Điều đó cho thấy tham vọng của Lotus là rất lớn được “gói” trong các ngôn từ với ý thức tiết chế.
Tất nhiên, Lotus vẫn đang trong lộ trình chạy thử nghiệm từ 3-6 tháng để chỉnh sửa lỗi, hoàn thiện sản phẩm và thậm chí điều chỉnh định hướng phát triển sản phẩm theo phản hồi từ người dùng…
Chia sẻ lợi nhuận: Thế nào mới là luật chơi công bằng?
Đại diện VCCorp cho rằng bất kì ai (tạo ra nội dung) cũng có thể kiếm tiền trên Lotus.
Cụ thể, mỗi cá nhân khi tham gia Lotus đều có cơ hội kiếm tiền nếu thông tin có giá trị như một hình ảnh/video đắt giá, một mẩu tin nhanh ngay tại hiện trường có thể được các bên chuyên nghiệp đồng ý mua lại, hoặc cho phép đăng tải và sẽ được chia sẻ một phần lợi nhuận…
Lotus chưa giải thích rõ ở đây rằng, liệu những người sáng tạo nội dung có được hưởng lợi từ doanh thu quảng cáo mà Lotus thu về - nhờ vào nội dung của các cá nhân tạo ra - như cách mà mạng xã hội Gapo ra mắt trước đó đã công bố?
Nếu Lotus chia sẻ cả doanh thu/lợi nhuận quảng cáo thì việc kiếm tiền của người tạo ra nội dung mới khả dĩ hơn, và mới thực sự là bước chơi mới sòng phẳng hơn so với cách của Facebook hiện nay là ăn trọn.
Chia sẻ lợi nhuận cho các nhân chưa đủ. Việc Lotus hợp tác với các cơ quan báo chí, công ty truyền thông.v.v… để dẫn nguồn thông tin với mục đích cuối cùng cũng là thu hút người đọc/người dùng và hệ quả mang lại có thể là doanh thu quảng cáo.
Vậy các tổ chức đó có được Lotus chia sẻ doanh thu/lợi nhuận như đối với các cá nhân tạo nội dung hay không? Bởi trên thực tế, khi các thông tin báo chí được dẫn nguồn lại đưa lên Lotus, ít nhiều lượng đọc giả và doanh thu cũng sẽ dịch chuyển theo.
Tháng ba vừa qua, Nghị viện Châu Âu đã thông qua dự thảo luật buộc các mạng xã hội như Facebook, Google trả phí bản quyền cho các cơ quan tin tức khi dẫn lại nguồn. Vấn đề này đang tiếp tục được xúc tiến để xác lập một cuộc chơi công bằng hơn trên thị trường.