Đánh giá năng lực bằng sản phẩm cụ thể
Theo Nghị quyết số 18/NQ-CP của Chính phủ về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, đi qua địa bàn 12 địa phương với 12 dự án, Bộ GTVT được quyết định đầu tư, tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt các dự án thành phần. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần.
Thủ tướng Chính phủ quyết định chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023 đối với gói thầu xây lắp các dự án thành phần, kèm theo yêu cầu tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu (không bao gồm chi phí dự phòng) và các gói thầu quan trọng khác nếu thấy cần thiết về tư vấn liên quan đến dự án…
Liên quan đến cơ chế chỉ định thầu được Chính phủ thông qua, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) Trần Chủng cho rằng, đây là giải pháp cần thiết trong bối cảnh hiện nay để 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 có thể về đích chỉ trong một kỳ trung hạn.
Để dự án giao thông được hình thành theo đúng kỳ vọng, việc “chọn mặt gửi vàng” không chỉ nhìn vào hồ sơ năng lực mà phải dựa trên chất lượng sản phẩm mà nhà thầu đã thực hiện trong quá khứ. Ông Trần Chủng cho rằng, nhiều nước trên thế giới đánh giá nhà thầu qua những công trình nhà thầu đã từng làm rất cụ thể, từ đội ngũ nhân lực như: Chỉ huy trưởng công trình, cán bộ kỹ thuật, lực lượng công nhân… đến công tác tổ chức công trường, huy động trang thiết bị...
Trao đổi với Báo Lao Động, ông Phan Văn Thắng - Tổng Giám đốc Cty BOT Bắc Giang - Lạng Sơn cho rằng, việc chỉ định thầu sẽ hỗ trợ tiến độ cho dự án thuận lợi hơn, để loại bỏ được cơ chế “xin - cho” và những tin đồn tiêu cực về hiện tượng “quân xanh - quân đỏ”.
Tuy nhiên để phương thức này có hiệu quả, cơ quan chỉ định hoặc đề xuất chỉ định cần phải công khai, minh bạch về tiêu chí lựa chọn, kết quả lựa chọn cần phải xây dựng bộ khung tiêu chí với hồ sơ năng lực, chỉ tiêu kỹ thuật. Cần phải xem xét các công trình cụ thể mà DN đã thi công có đảm bảo chất lượng, tiến độ và đem lại lợi ích cho cộng đồng.
Nhiều ý kiến cho rằng, để đảm bảo sự công bằng tuyệt đối cho các nhà thầu có uy tín, Bộ GTVT và các cơ quan chức năng cần căn cứ vào các yếu tố chính như: Các dự án nhà thầu đã thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định (có xác nhận của chủ đầu tư), năng lực tài chính, thiết bị máy móc. Trên cơ sở hồ sơ nhà thầu đăng ký dự tuyển, cơ quan quản lý nhà nước có thể thực hiện chấm điểm, nhà thầu nào điểm cao sẽ được giao khối lượng công việc lớn như đã từng áp dụng tại dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 1 trước đây.
Thông qua đánh giá năng lực, cơ quan chức năng cũng có thể phân tích nhà thầu nào giỏi về xử lý vùng đất yếu, giỏi về làm cầu, làm đường để giao đúng người, đúng việc, đảm bảo chất lượng của dự án.
Tăng cường giám sát sau chỉ định
Thực tế theo nhiều phân tích, muốn chỉ định thầu không vấp phải sự hoài nghi của dư luận, ngay từ quá trình đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, các bộ, ngành phụ trách cần công khai rộng rãi trên không gian mạng danh sách những đơn vị được đề xuất lựa chọn và cả kết quả lựa chọn để các doanh nghiệp trong ngành và toàn dân giám sát năng lực, hiệu quả của việc chỉ định thầu, giảm thiểu tối đa việc “xin - cho”.
Theo ông Trần Chủng, nhà thầu nào trúng phải được công bố rộng rãi để bên cạnh việc kiểm soát, giám sát của chủ đầu tư, cơ quan quản lý, các “đối thủ” khác trượt thầu cũng có thể giám sát xem nhà thầu được lựa chọn có thực hiện tốt hay không, đảm bảo được tiến độ, chất lượng như đã cam kết hay không.
Đại diện Ban QLDA Thăng Long cho hay, việc chỉ định thầu có nhiều ưu điểm như: Nhanh về mặt thời gian, chủ đầu tư chọn được nhà thầu có năng lực tốt. Nhưng công tác quản lý thực hiện sau chỉ định thầu sẽ nhiều thủ tục hơn, đòi hỏi đơn vị quản lý, tư vấn giám sát nhà thầu mất nhiều thời gian hơn do khi đấu thầu, giá thực hiện dự án là giá nhà thầu bỏ theo hướng “lời ăn lỗ chịu” và phải đáp ứng yêu cầu của dự án.
Nhà thầu chính được chọn lựa cũng sẽ có thầu phụ. Những thầu phụ này cũng phải được công khai hồ sơ trong quá trình đăng ký tham gia chỉ định thầu để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý. Cùng đó, công tác quản lý, giám sát sau thầu cũng cần được chú trọng, tránh tình trạng hồ sơ đăng ký ghi rất đẹp, máy móc rất hiện đại, thợ rất cao cấp nhưng ra công trình lại xảy ra tình trạng chậm tiến độ, đội giá, kém chất lượng.
Theo ông Phan Văn Thắng, việc chia nhỏ gói thầu cũng là cách vận dụng để các DN có điều kiện tham gia, nhưng trách nhiệm chính vẫn là Bộ GTVT, sẽ quản lý những nhà thầu chính (chủ lực) với năng lực quản trị có khả năng dẫn dắt theo tiêu chí của Chính phủ. Các khung tiêu chí phải phù hợp và rõ ràng để các DN có điều kiện được tham gia, phải có sản phẩm cụ thể về chất lượng, tiến độ đem lại lợi ích cho cộng đồng và cách điều hành quản trị phải tốt với các giải pháp công nghệ tiên tiến.