Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 7.2023, Việt Nam ước xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỉ USD, tăng gần 30% về trị giá so với cùng kỳ. Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu đi đúng hướng, gia tăng giá trị cho hạt gạo với các chủng loại như gạo thơm, gạo nếp, gạo trắng cao cấp…
Hội nghị dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng sự tham dự của đại diện Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các địa phương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo.
Bên cạnh thị trường xuất khẩu truyền thống, trọng điểm được tiếp tục giữ vững như: Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Bờ Biển Ngà, Hồng Kông, một số khu vực thị trường ghi nhận tăng trưởng vượt bậc như EU. Dự kiến cả năm 2023, nước ta sẽ xuất khẩu trên 7,5 triệu tấn gạo và thu về khoảng 4,1 tỉ USD.
Tuy đạt được những kết quả tích cực nhưng đến giữa năm 2023 thị trường thương mại gạo toàn cầu bắt đầu có những dấu hiệu diễn biến phức tạp như lệnh cấm xuất khẩu gạo tại một số thị trường; hiện tượng El Nino gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất ngũ cốc tại nhiều khu vực; tình hình địa chính trị còn diễn biến phức tạp... dự báo sẽ tác động tới hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo của thương nhân Việt Nam.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hồng - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đề xuất, Bộ Công Thương cần có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo xây dựng vùng nguyên liệu, đặc biệt là vấn đề kho chứa, mở rộng máy móc, thiết bị; tạo điều kiện cho các các doanh nghiệp phối hợp với Bộ NNPTNT tạo giống mới,...
Các doanh nghiệp của thành phố mong muốn nhận được cơ chế chính sách về vay vốn lưu động cho việc kho chứa và dây chuyền sản xuất, đặc biệt là kéo dài thời gian giải ngân.
Xác định là vựa lúa lớn của ĐBSCL, tỉnh Kiên Giang nhìn nhận, tình hình biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sản xuất lúa gạo không phải là vấn đề mới, cho nên Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT nên có kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, nguồn nước sông Mekong nhằm bảo đảm cho sản xuất, nhu cầu cho người dân và nghĩa vụ quốc tế.
Một doanh nghiệp sản xuất lúa gạo tại khu vực ĐBSCL góp ý cần có giá sàn khi thu mua lúa để đảm bảo việc xuất khẩu thuận lợi và phát triển bền vững.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: Thời cơ là chúng ta xuất khẩu được nhiều, bán được giá cao nhưng thách thức đặt ra phải giữ được thương hiệu gạo và đặc biệt hơn nữa phải đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
“Chúng ta vất vả lắm mới có được thương hiệu gạo Việt Nam cho đến thời điểm này. Nếu lúc này chúng ta “thừa thế xông lên” nhưng không có cách làm, không tuân nghiêm về quy luật thị trường thì không khéo là mất cả một thị trường”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Cùng với tăng sản lượng xuất khẩu, mở rộng địa bàn xuất khẩu, khai thác thị trường tiềm năng thì vẫn phải đảm bảo nguyên tắc bảo đảm an ninh lương thực cho mình trước đã" - ông Diên cho biết.