Cụ thể, giá dầu Brent tăng 1,5 USD, tương đương 1,9%, lên mức 79,82 USD/thùng. Giá dầu WTI của Mỹ ở mức 75,19 USD/thùng, tăng 1,78 USD, tương đương 2,4%.
Trong vài ngày qua, Trung Đông liên tiếp ghi nhận các cuộc tấn công tên lửa diễn ra đồng loạt ở Syria, Iraq và Yemen.
Những diễn biến này dấy lên lo ngại cuộc chiến ở Dải Gaza có thể leo thang thành một cuộc xung đột khu vực rộng lớn khi ngày càng nhiều quốc gia bị lôi kéo vào cuộc xung đột.
Cuộc tấn công vào nhà ga xuất khẩu nhiên liệu của Nga cũng tác động đến nguồn cung dầu.
Novatek, nhà sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng lớn nhất của Nga đã buộc phải dừng hoạt động tại một cảng xuất khẩu nhiên liệu lớn trên Biển Baltic do cháy lớn. Đây là cảng xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ và khí đốt cho các thị trường quốc tế.
Các cuộc tấn công ở Biển Đỏ đã làm gián đoạn hoạt động thương mại toàn cầu, gây ra tình trạng thắt chặt nguồn cung trên thị trường châu Âu và châu Phi.
Cùng với đó, thời tiết lạnh giá vẫn đang gây gián đoạn cho hoạt động sản xuất dầu tại North Dakota, bang sản xuất dầu lớn thứ ba của Mỹ.
Theo cơ quan quản lý đường ống của North Dakota, hơn 20% sản lượng vẫn chưa được khôi phục sau khi giảm một nửa vào tuần trước do thời tiết và những thách thức trong vận hành.
Theo nhà phân tích Tony Sycamore của IG, các yếu tố cơ bản về dầu mỏ có thể kéo giá dầu giảm.
Cụ thể, sản lượng dầu cao hơn trong khi triển vọng tăng trưởng ở Trung Quốc và châu Âu không đồng đều và dữ liệu trong tuần này sẽ cho thấy tăng trưởng kinh tế Mỹ đang chậm lại đáng kể.
Dự báo tăng trưởng nhu cầu mới nhất của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, Cơ quan Năng lượng Quốc tế và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC cho năm 2024 nằm trong khoảng từ 1,24 triệu đến 2,25 triệu thùng/ngày.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 23.1 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 21.418 đồng/lít; xăng RON 95-III không quá 22.482 đồng/lít; dầu diesel không quá 20.194 đồng/lít; dầu hỏa không quá 20.536 đồng/lít; dầu mazut không quá 15.508 đồng/kg.