Báo cáo tài chính quý II/2022 của Công ty Cổ phần Đầu tư và công nghiệp Tân Tạo - Itaco (ITA) gây xôn xao thị trường tài chính khi xuất hiện thông tin tập đoàn này tạm ứng cho bà Maya Dangelas (tên mới của bà Đặng Thị Hoàng Yến) - Chủ tịch HĐQT số tiền 1.936 tỉ đồng để tham gia dự án ở Mỹ. Sau đó, Tân Tạo “đính chính” rằng con số này chỉ là 633 tỉ đồng.
Dù vậy, tới đầu tháng 9.2022, Tổng cục Thuế yêu cầu Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh tập trung rà soát số liệu kê khai thuế của Tân Tạo, phối hợp với ngân hàng xác minh số tiền mà Tân Tạo đã tạm ứng cho bà Đặng Thị Hoàng Yến. Nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm, hồ sơ sẽ được chuyển cho công an.
Thực tế đã ghi nhận, suốt nhiều năm qua, rất nhiều doanh nghiệp thường xuyên thực hiện các nghiệp vụ giao dịch tiền với người có liên quan. Đó có thể là chủ tịch, tổng giám đốc, cổ đông lớn của công ty.
Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh bất động sản Hải Phát (Hải Phát Land), đơn vị có liên quan đến Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest) là một trong số đó. Hải Phát Land từng là công ty con của Hải Phát Invest. Tuy nhiên, hiện nay sau khi công ty mẹ bán bớt cổ phần “con”, tới ngày 31.12.2021, tỉ lệ sở hữu của Hải Phát Invest tại Hải Phát Land chỉ còn là 48,8%.
Không lâu sau khi Hải Phát Invest giảm tỉ lệ sở hữu tại Hải Phát Land, tổng tài sản công ty này tăng vọt, tăng từ 1.460 tỉ đồng lên 3.225 tỉ đồng. Thế nhưng, đáng chú ý, tài sản của Hải Phát Land bao gồm nợ là chủ yếu. Báo cáo tài chính cho thấy tại ngày 31.12.2021, nợ phải trả của công ty lên đến 2.353 tỉ đồng, tăng 1.712 tỉ đồng, tương đương 267% so với cuối năm 2020, cao gấp 2,7 vốn chủ sở hữu và chiếm 73% tổng tài sản.
Trong đó, nợ vay leo thang, tăng 774 tỉ đồng, tương đương 315% lên 1.020 tỉ đồng. Kết quả là chi phí lãi vay Hải Phát Land tăng vọt từ 3,9 tỉ đồng lên 18,3 tỉ đồng. Ấn tượng nhất là việc có thời điểm công ty phải “nhặt nhạnh” vay từng khoản tiền nhỏ. Ví dụ, năm 2020, công ty có khoản vay trị giá chỉ gần 86 triệu đồng tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong.
Trong bối cảnh phải vay nợ rất nhiều, thậm chí vay chỉ vài chục triệu đồng, công ty lại bị chiếm dụng vốn. Hồi cuối năm 2021, chỉ tiêu “Các khoản phải thu ngắn hạn” tăng gần gấp đôi lên 1.932 tỉ đồng, chiếm tới 60% tổng tài sản.
Đáng chú ý nhất, Hải Phát Land đã dành tới 530 tỉ đồng để cho vay ngắn hạn. Con số này tăng mạnh so với 248 tỉ đồng của năm 2020. Trong thuyết minh, công ty chỉ cho biết, đây là khoản cho vay cá nhân (520 tỉ đồng) và cho vay doanh nghiệp (10 tỉ đồng). Danh tính cá nhân và tổ chức nhận khoản vay không được tiết lộ.
Vay nhiều nhưng sẵn sàng cho vay lại
Trong khi đó, đơn vị từng là công ty “mẹ” - Hải Phát Invest trong tình trạng tương tự Hải Phát Land. Đó là dù phải đi vay rất nhiều nhưng công ty sẵn sàng cho vay, đặc biệt là vay cá nhân. Và cũng như Hải Phát Land, Hải Phát Invest không tiết lộ “con nợ” của mình.
Cụ thể, tại ngày 31.12.2021, báo cáo tài chính cho thấy nợ phải trả tại Hải Phát Invest tăng mạnh, tăng 2.294 tỉ đồng, tương đương 61% lên 6.052 tỉ đồng. Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước tăng từ 143 tỉ đồng lên 456 tỉ đồng, vay và nợ thuê tài chính tăng 2.252 tỉ đồng, tương đương 92,3% lên 4.692 tỉ đồng. Dòng tiền khá lớn tại Hải Phát Invest đã chảy ra khỏi công ty qua chỉ tiêu các khoản phải thu ngắn hạn (1.873 tỉ đồng) và đầu tư tài chính dài hạn (778 tỉ đồng).
Nợ nhiều nhưng Hải Phát Invest vẫn ôm tiền cho vay. Con số này tại thời điểm cuối năm 2021 và 2020 là 10 tỉ đồng và 248 tỉ đồng. Thế nhưng, Hải Phát Invest không hề tiết lộ danh tính con nợ. Trong báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021, Hải Phát Invest chỉ cho biết, đây là khoản cho vay tín chấp một cá nhân có kỳ hạn 3 tháng và hưởng lãi suất 8,4%/năm.
Còn trong báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020, khoản cho vay trị giá 248 tỉ đồng bao gồm hai khoản vay trị giá 68,4 tỉ đồng (cho vay ngắn hạn các bên khác) và 179,3 tỉ đồng (cho vay ngắn hạn các bên liên quan). Với khoản vay trị giá 68,4 tỉ đồng, Hải Phát Invest cho biết, đây là hợp đồng cho vay tín chấp một số cá nhân có kỳ hạn từ 3 tháng đến 12 tháng và hưởng lãi suất từ 5% đến 11,5%/năm.