Phát huy vai trò nòng cốt nền kinh tế
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC), năm 2023, Ủy ban và các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc đã nỗ lực cao, triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, đem lại nhiều kết quả khả quan và nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
“Các tập đoàn, tổng công ty tiếp tục thể hiện vai trò nòng cốt trong 1 số ngành, lĩnh vực, tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước, góp phần bảo đảm cho các cân đối lớn, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, tạo động lực phát triển cho các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế và thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội”, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhấn mạnh.
Sau 5 năm hoạt động, được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp của các Bộ, Ban ngành Trung ương, sự nỗ lực của tập thể Ủy ban và 19 Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Báo cáo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Hồ Sỹ Hùng cho biết, trong năm qua tổng doanh thu Công ty mẹ của 19 Tập đoàn, Tổng công ty đạt 1.135.743,61 tỉ đồng, bằng 105,15% kế hoạch năm 2023. Lợi nhuận trước thuế đạt 53.256,32 tỉ đồng (không tính EVN), bằng 166,09% kế hoạch năm 2023 và bằng 110,92% so với cùng kỳ năm 2022. Nếu tính cả EVN, lợi nhuận trước thuế đạt 28.661,32 tỉ đồng, bằng 89,39% kế hoạch năm 2023 và bằng 133,19% cùng kỳ năm 2022.
Nộp ngân sách Nhà nước đạt 79.252,01 tỉ đồng, bằng 199,96% kế hoạch năm 2023 và bằng 120,22% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, 15/19 Tập đoàn, Tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về doanh thu; 16/19 Tập đoàn, Tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về lợi nhuận trước thuế (riêng VNA giảm lỗ so với kế hoạch); 16/19 Tập đoàn, Tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về nộp ngân sách nhà nước... Ngoài kết quả tích cực từ PVN, TKV, trường hợp như Vinacafe còn có lãi sau nhiều năm thua lỗ.
Về đầu tư phát triển, số vốn đã giải ngân đầu tư của 19 Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu hơn 161 nghìn tỉ đồng; trong đó, các Tập đoàn trong lĩnh vực năng lượng có tỉ lệ giải ngân đầu tư cao, như Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và EVN.
Trong năm 2023, nhiều dự án kết cấu hạ tầng giao thông, năng lượng đã được hoàn thành hoặc được tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để triển khai thực hiện. Một số Tập đoàn, Tổng công ty đã tích cực mở rộng thị trường, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, đóng góp vào sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Năm qua, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng đã thực hiện đồng bộ các giải pháp chỉ đạo, điều hành để hỗ trợ, thúc đẩy các tập đoàn, tổng công ty duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, giữ vững vai trò của doanh nghiệp nhà nước là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước, dẫn dắt, tạo động lực phát triển đối với nền kinh tế, thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao.
Tích cực đổi mới phương thức, lề lối làm việc để nâng cao hiệu quả hoạt động quản trị, điều hành. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các tập đoàn, tổng công ty trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư và sắp xếp lại, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước.
Hoàn thiện hành lang pháp lý, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, trong bối cảnh dự báo tình hình quốc tế và trong nước năm 2024 tiếp tục có nhiều yếu tố rủi ro, phức tạp, khó lường, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các tập đoàn, tổng công ty cần tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo; tập trung đẩy mạnh hoạt động sản xuất - kinh doanh và thực hiện các nhiệm vụ được giao, nhất là về sản xuất, thị trường, đầu tư...
Cùng với đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả, hoàn thiện hành lang pháp lý, phát triển mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động của Ủy ban để thực hiện tốt hơn chức năng cơ quan chuyên trách, chuyên nghiệp thực hiện thống nhất chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp chỉ đạo, điều hành để hỗ trợ các tập đoàn, tổng công ty trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; giữ vững vai trò của doanh nghiệp nhà nước là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước, dẫn dắt, tạo động lực phát triển đối với nền kinh tế và thực hiện các nhiệm vụ chính trị được Nhà nước giao.
Cũng tại Hội nghị, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng đánh giá cao những kết quả đã đạt được của CMSC khi nhiều chỉ tiêu kinh tế - tài chính tăng vượt và tăng khá so với cùng kỳ năm trước.
"Thành công này rất quan trọng, góp phần làm bức tranh kinh tế trong nước sáng lên trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới còn ảm đạm. Đây là sự nỗ lực lớn của Ủy ban, các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc với những cách làm mới… cùng sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành", ông Dũng nhấn mạnh.