Lọc hoá dầu Nghi Sơn lo phải dừng hoạt động
Thông tin Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) thiếu hụt dòng tiền, đủ dòng tiền để tiếp tục vận hành nhà máy đang gây xôn xao dư luận bởi mỗi khi Công ty gặp vấn đề khiến công suất cắt giảm thì nguy cơ thị trường xăng dầu trong nước có thể bị ảnh hưởng.
Cụ thể, theo báo cáo gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), NSRP cho biết, nếu không thể tái cấu trúc tài chính thành công - sẽ không thể vừa thanh toán kì trả nợ vay đến hạn vào tháng 5 cho các bên cho vay.
Trường hợp giả định khi không có tái cấu trúc tài chính, NSRP sẽ phải trả 375 triệu USD vào tháng 5 và 277 triệu USD vào tháng 11. Điều này đồng nghĩa với việc NSRP sẽ phải tạm dừng hoạt động, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với các bên góp vốn.
Trao đổi với PV Lao Động, đại diện NSRP cho biết, vấn đề tái cấu trúc tài chính được doanh nghiệp đề cập nhiều năm nay. Tuy nhiên, những thoả thuận của các bên liên quan như NSRP, Bộ Công Thương, bên cho vay và bên đầu tư hiện là vấn đề bảo mật và đang được thảo luận, đàm phán.
"Hiện nhà máy vẫn hoạt động bình thường, đảm bảo 100% công suất. Tuy nhiên, dự kiến đến tháng 8.2023, nhà máy sẽ tiến hành bảo dưỡng ít nhất 55 ngày. Đây là hoạt động bảo dưỡng tổng thể, công ty đã và đang chuẩn bị nguồn lực để thực hiện", đại diện NSRP cho biết.
Lọc hoá dầu Nghi Sơn là đơn vị cung cấp lượng lớn xăng, dầu cho thị trường trong nước. Do vậy, mỗi lần nhà máy này xảy ra các sự cố kĩ thuật, tài chính… khiến công suất cắt giảm lại gây ra những xáo trộn tới thị trường xăng dầu trong nước.
Đơn cử hồi tháng 1.2023, do sự cố kĩ thuật, lọc dầu Nghi Sơn đã phải cắt giảm sản lượng, gây ảnh hưởng tới nguồn cung xăng dầu, gây ra những khó khăn nhất định trong quá trình điều hành thị trường xăng dầu của cơ quan quản lí Nhà nước.
PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường giá (Bộ Tài chính) - cho rằng, nếu hoạt động sản xuất của Nghi Sơn có biến động thì nguồn cung xăng dầu trong nước có thể bị ảnh hưởng trong quý II/2023. Giải pháp tình thế trước mắt là phải tăng nhập khẩu để bù khoản thiếu hụt.
Tăng dự trữ, đảm bảo nguồn cung xăng dầu
TS Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội - cho rằng, để đảm bảo an ninh năng lượng cần phải đảm bảo nguồn cung xăng dầu, bằng cách tăng cường dự trữ xăng dầu.
"Bất kì con người, cá nhân bình thường đều cần dự trữ một chút tiền, dự trữ lương thực. Nếu bây giờ, một quốc gia không dự trữ sẽ bị động lớn, rủi ro không thể lường được, toàn bộ kinh tế - xã hội sẽ bị đóng sập" - ông nói.
Năm 2022, Nhà nước phải bỏ 9 tỉ USD để nhập khẩu, đảm bảo nguồn cung trong nước khoảng 70%. Chưa nói đến đạt mục tiêu kinh tế ở tầm cao hơn nữa đã đòi hỏi lượng xăng dầu cần được sản xuất, sử dụng, dự trữ lớn như thế nào.
Với Việt Nam, bình quân mỗi năm, kho dự trữ xăng dầu của ta có 370.000 m3, tương đương 3 triệu lít. Năm 2022 đã phải tăng so với 2021 là 28% chi tiêu cho xăng dầu để nhập khẩu. "Đây vẫn là con số rất khiêm tốn" - ông Nhưỡng nói.
"Nếu chúng ta không tính toán chiến lược về khâu sản xuất lẫn dự trữ thì sẽ có lúc không đối phó kịp. Đặc biệt, không dự trữ cẩn thận thì không đảm bảo để đối phó với những rủi ro lớn và chiến tranh. Quý xe như con, quý xăng như máu, không có xăng dầu có nghĩa là cơ thể bất động" - ông Nhưỡng nói.