Chiều 26.8, thông tin về thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) nhấn mạnh: Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, được Chính phủ ban hành vào ngày 17.11.2017. Sau hơn 3 năm triển khai, Nghị quyết 120/NQ-CP đã mang lại những kết quả tích cực, làm thay đổi diện mạo vùng ĐBSCL. Khu vực ĐBSCL đã có những thay đổi, chuyển mình mạnh mẽ theo hướng thuận thiên, bền vững; kinh tế, xã hội có bước phát triển nhanh; sinh kế, đời sống của nhân dân được từng bước cải thiện, dù biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, khó lường.
Nghị quyết 120/NQ-CP đã góp phần định hình không gian phát triển thông qua kết nối hạ tầng giao thông, liên kết vùng đã và đang có nhiều tiến triển, thay đổi bộ mặt của ĐBSCL. Một số cơ chế chính sách đã được rà soát, bổ sung. Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững vùng ĐBSCL đang được khẩn trương hoàn thành. Hiệu quả của việc phân vùng, chuyển đổi sản xuất theo phương châm thuận thiên đã được chứng minh qua đợt hạn mặn kỷ lục 2019-2020 vừa qua, qua đó chuyển hóa được thách thức thành cơ hội cho phát triển, giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất, kinh doanh.
Theo tinh thần của Nghị quyết 120/NQ-CP, mục tiêu đến năm 2050 ĐBSCL trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước, có trình độ tổ chức xã hội tiên tiến; thu nhập bình quân đầu người đạt cao hơn trung bình cả nước, sinh kế của người dân được bảo đảm; tỉ trọng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 80%, độ che phủ rừng đạt trên 9% (so với 4,3% hiện nay), các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng được bảo tồn và phát triển. Mạng lưới kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được xây dựng đồng bộ, hiện đại. Hệ thống đô thị hiện đại được xây dựng và phân bố hợp lý tại các tiểu vùng. Hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy được phát triển đồng bộ, kết nối trong vùng, liên vùng và phải bảo đảm kết hợp hài hòa, thống nhất, bổ trợ và không xung đột với hệ thống thủy lợi, đê điều...
Thách thức lớn nhất của vùng là biến đổi khí hậu, thiên tai đang ngày càng diễn ra nhanh, phức tạp và sẽ tiếp tục khó lường, khó dự báo do tính thất thường, cực đoan, đặc biệt là những tác động ngắn hạn. Các hoạt động khai thác, sử dụng nước ở phía thượng nguồn, đặc biệt là các dự án thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông.
Trong giai đoạn 2021-2025, các địa phương vùng ĐBSCL đã đề xuất 13 dự án liên kết vùng, với tổng mức đầu tư là 26.731 tỉ đồng. Trong đó, đề xuất bố trí trong giai đoạn 2021-2025 là 19.916 tỉ đồng, bao gồm ngân sách Trung ương hỗ trợ 16.250 tỉ đồng. Khoản vốn này sẽ chỉ hỗ trợ phần xây lắp trong tổng mức đầu tư, các chi phí khác như giải phóng mặt bằng, dự phòng, tư vấn… do địa phương chủ động cân đối.