Mở cửa trở lại theo từng nhóm ngành nghề
Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với các bộ ngành và 63 tỉnh thành về công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 mới nhất, đã nhấn mạnh, bên cạnh công tác chống dịch, nhiệm vụ phát triển kinh tế cũng được tập trung thực hiện tốt như đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, đẩy mạnh xuất nhập khẩu, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, công nghiệp để không đứt gãy nền kinh tế.
Chỉ đạo trên được nhiều người dân, doanh nghiệp tại vùng tâm dịch như Đà Nẵng phấn khởi ủng hộ. Anh Nguyễn Thanh, chủ một quán ăn ở quận Thanh Khê Đà Nẵng cho biết, hơn 30 ngày Đà Nẵng thực hiện cách ly với nhiều biện pháp chống dịch cao độ. Nay, dịch bệnh đã dần được kiểm soát thì Chính phủ, thành phố cũng nên tính đến việc “sống chung với dịch bệnh”.
Anh Nguyễn Thanh cho rằng, hiện nay nhiều khu công nghiệp vẫn được hoạt động với hàng vạn người, họ kiểm soát tốt và không có ca lây nhiễm chéo. Vậy thì các ngành nghề, doanh nghiệp khác cũng cần được mở cửa trở lại theo từng nhóm ngành nghề thiết yếu. Phải tính kỹ bởi hiện nay người dân đang rất khó khăn. Chính phủ dù có hỗ trợ gạo hay tiền cũng chỉ là cầm cự, đó không phải phương án lâu dài. Trong khi đó thực tế, nhiều người dân gặp nhiều khó khăn nên đã bắt đầu buôn bán “chui” trở lại. “Điều này rất nguy hiểm, đã có những ca mắc COVID-19 là người bán càphê dạo, tiếp xúc hàng trăm người mà không thể điều tra được dịch tễ. Chúng ta kiểm soát được chợ thì các doanh nghiệp, hàng quán, nếu có biện pháp, quy trình chuẩn thì hoàn toàn có thể kiểm soát tốt, vừa tạo điều kiện cho người dân tự vực dậy kinh tế, thích ứng với việc cuộc sống mới với dịch bệnh” - Anh Nguyễn Thanh nói.
Cùng chung sự mong đợi đó, ông Phạm Bắc Bình - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Đà Nẵng - phân tích, Đà Nẵng vừa mới chớm phục hồi một số ngành kinh tế sau đợt dịch đầu tiên thì nay đang bị giáng thêm một đòn rất nặng. Hàng trăm doanh nghiệp đang khóc ròng vì doanh thu không có, nợ ngân hàng bủa vậy, tiền thuế, tiền BHXH… chồng chất. “Nếu không có kế hoạch để mở cửa từng bước trở lại, sức khoẻ của doanh nghiệp và cũng là sức khoẻ của kinh tế Đà Nẵng sẽ bị cạn kiệt. Đặc biệt, với Đà Nẵng, chính quyền thành phố cần đề nghị Chính phủ phải có cơ chế riêng để hỗ trợ, giúp doanh nghiệp hồi phục được sau đợt dịch này chứ không thể cào bằng. Bên cạnh đó, chúng ta cần tính toán kỹ nên mở những ngành nào, bởi có những ngành nghề mang nhiều nguy cơ tiềm ẩn khiến dịch bệnh phức tạp thì không nên vội” - ông Bình chia sẻ.
Kiểm soát đến đâu, nới lỏng đến đó để phục hồi kinh tế
Ngày 28.8, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã họp, bàn các biện pháp Phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Cụ thể, trong trường hợp dịch bệnh từng bước được kiểm soát, thành phố sẽ xem xét nới lỏng một số ngành, lĩnh vực chủ yếu để từng bước phục hồi hoạt động của nền kinh tế, trên tinh thần có lộ trình, bước đi thận trọng, có sự kiểm soát chặt chẽ, không để lặp lại như đợt bùng phát thứ hai vừa rồi. Các cơ quan chức năng sẽ có hướng dẫn cụ thể về chung sống an toàn trong điều kiện dịch bệnh cho người dân và doanh nghiệp.
Đà Nẵng thống nhất thúc đẩy tiến độ các công trình trọng điểm, giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người dân, bảo đảm an sinh xã hội. Đặc biệt, thành phố đã chủ động đề nghị Chính phủ có cơ chế, chính sách cho riêng Đà Nẵng trong việc khôi phục sản xuất kinh doanh vì là tâm dịch như hỗ trợ đối tượng chính sách, đối tượng xã hội, người nghèo; tiếp tục duy trì các hoạt động sản xuất tại các khu công nghiệp, hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh...
Ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng - cho biết, sau khi hoàn thành đợt xét nghiệm mở rộng trong khoảng 1 tuần nữa, thành phố sẽ yên tâm nới lỏng giãn cách. Nếu tình hình tốt đẹp, sau ngày 31.8 sẽ thực hiện theo chỉ thị 19, riêng những khu vực nguy cơ sẽ tiếp tục thực hiện chỉ thị 16 với tinh thần, không phải cứ có ca mắc COVID-19 thì cả xã hội cách ly, nhưng không để xảy ra ổ dịch như vừa qua. Khi chung sống với dịch bệnh COVID-19 thì phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch.
Ông Đặng Phong - Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh - cho hay, nhiều doanh nghiệp đang rất phấn khởi khi nguồn nhân sự trong nước và chuyên gia nước ngoài đến địa bàn thuận tiện hơn, nguyên liệu đầu vào cũng dễ tiếp cận hơn.