Cần một chiến lược phục hồi kinh tế từ y tế

Không quá khó nếu biết nắm bắt cơ hội

HUYÊN NGUYỄN – ĐÌNH TRƯỜNG |

Từ cách đây 30 năm, các chuyên gia kinh tế toàn cầu đã nhận định, thế kỷ XXI là thế kỷ của y tế và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Phục hồi kinh tế từ y tế, đặc biệt là khắc phục những điểm yếu về cơ chế chính sách, dịch vụ chăm sóc… phát huy hơn nữa những điểm mạnh, sẽ giúp y tế Việt Nam tiến nhanh hơn.

Chưa biết tự quảng bá 

Y tế Việt Nam thời gian qua rõ ràng đã tạo được một bước phát triển vượt bậc nhưng có một sự thật đáng suy nghĩ là một số lượng không nhỏ người Việt Nam chưa thực sự tin tưởng vào trình độ trong nước.

Theo Thầy thuốc Nhân dân, PGS-TS Trần Thị Trung Chiến - nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế - một trong những nguyên nhân y tế Việt Nam chưa tạo được vị thế xứng tầm là do chúng ta chưa có một bức tranh tổng thể, những điểm mạnh để người dân tiện theo dõi.

“Trong bức tranh chung ấy, cần thể hiện cụ thể chỗ nào chữa được cái gì, điều trị bệnh nào tốt nhất, những thành tựu nào Việt Nam đã làm được... Nhiều người lại có tâm lý nghĩ rằng việc đó sa đà vào quảng bá, quảng cáo nên giờ vẫn mạnh ai nấy làm. Tôi cho rằng, tất cả những thông tin này cần phải được cập nhật thường xuyên, một cách xuyên suốt và khoa học tới người dân thì họ mới có hiểu biết và tin tưởng vào y tế Việt Nam”, PGS-TS Trần Thị Trung Chiến đề xuất.

Ngoài ra, việc quá tải ở các bệnh viện cũng là một thực tế cần phải khắc phục. Chính vì, quá tải sẽ gây ra những hệ luỵ như không tôn trọng quy trình khám chữa bệnh. Điều này là rất nguy hiểm.

Bên cạnh đó, theo nguyên Bộ trưởng, tâm lý “sính ngoại” xuất phát từ việc trước đây, trong thời điểm đất nước khó khăn, sản phẩm tạo ra không đảm bảo chất lượng, làm cho tư duy đó kéo dài tới tận bây giờ.

Trong khi đó, ở nhiều cơ sở y tế, cơ sở vật chất vẫn chật chội, chăm sóc bệnh nhân chưa đảm bảo, các dịch vụ kèm theo cũng chưa ổn khiến cho nhiều người không mặn mà với điều trị tại Việt Nam. Chỉ khi nào chúng ta cải thiện được những yếu kém này mới có thể thay đổi được tâm lý người dân.

Trong thời điểm dịch COVID-19, một số công ty của Việt Nam cũng tham gia sản xuất các trang thiết bị y tế. Theo bà Chiến: “Chúng ta có nhiều cơ sở để nghĩ tới việc phát triển kinh tế ngay trong lĩnh vực y tế. Tuy vậy, cần phải có chiến lược nghiên cứu, khảo sát nhu cầu trong nước và quốc tế mới có thể đầu tư lớn được”.

Đồng quan điểm, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Bệnh viện Nhi Đồng 1 - chỉ ra rằng không chỉ về bệnh truyền nhiễm, một số bệnh về gen, những biện pháp phẫu thuật, Việt Nam hoàn toàn có thể chẩn đoán, điều trị tốt. Nhưng vì quá tải, vì cơ sở vật chất không đủ để người bệnh được làm nhanh, thoải mái, được phục vụ ở cấp cao nên người ta ra nước ngoài.

“Theo tôi, ngành Y tế cần được tăng cường thêm về cơ sở vật chất, hạ tầng, có chính sách phát triển cho hệ thống y tế tuyến dưới. Ngoài ra, còn phải đào tạo thêm cho đội ngũ và trình độ y bác sĩ”, bác sĩ Khanh chia sẻ quan điểm.

Quan tâm đến phát triển dịch vụ

Một ý kiến được nhiều chuyên gia đề cập chính là chú trọng đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Bà Trần Thị Huệ - nghiên cứu viên Đại học Kyorin (Nhật Bản), Giám đốc Công ty dịch vụ Y tế Nippon Star - cho hay, ngành dịch vụ chăm sóc sức khỏe đòi hỏi nhiều nhân lực sẽ tiếp tục có nhu cầu tăng hơn nữa như ngành điều dưỡng, du lịch sức khỏe… Ở Nhật Bản có rất nhiều viện dưỡng lão và khu du lịch nghỉ dưỡng như tắm suối nước nóng (onsen)… đang phát triển rất mạnh. Trong khi đó, nước ta có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi, trình độ y khoa và các bác sĩ, kỹ thuật, điều dưỡng của Việt Nam không thua kém bất kỳ các nước nào khác, Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển ngành dịch vụ này. Tương lai khi dịch bệnh qua đi, Việt Nam có thể tăng lượng khách du lịch sử dụng dịch vụ và đẩy mạnh kinh tế phát triển.

Còn PGS-TS Nguyễn Võ Kỳ Anh - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam - cho biết để phát triển y tế Việt Nam, đặc biệt là sau sự cố lây truyền bệnh tại ổ dịch COVID-19 Bệnh viện Bạch Mai, thì chúng ra cần nghĩ xa hơn đến mô hình bệnh viện sẽ lo luôn việc chăm sóc bệnh nhân. Một mô hình lý tưởng thì việc chăm sóc bệnh nhân có thể giao hoàn toàn cho bệnh viện. Trong đó, vai trò của người điều dưỡng viên sẽ rất quan trọng, nếu làm được điều này thì rất tốt.

“Với hoàn cảnh hiện tại ở Việt Nam, trước khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, chúng ta ít bàn tới vấn đề này, vì điều dưỡng chưa đủ tiêu chuẩn để phục vụ cho người bệnh chu đáo, kinh tế và thói quen, nhu cầu của người bệnh cũng hạn chế mà mới chỉ tập trung vào người nhà. Chính vì vậy, người nhà xuất hiện rất đông trong bệnh viện dẫn đến quá tải, lây truyền bệnh…” - bác sĩ Kỳ Anh phân tích.

Phó Chủ tịch Trung ương Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam chỉ ra rằng: Trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, khi người nhà bị cách ly, việc chăm sóc bệnh nhân do các y, bác sĩ phụ trách, chúng ta thấy cũng tốt. Vì thế, trong tương lai nên phát huy việc này.

“Chúng ta cần nghiên cứu, phát huy và đưa vào thử nghiệm mô hình này. Việc xây dựng mô hình cũng cần thí điểm, tiếp thu từ từ chứ không nên cứng nhắc và tách biệt đến mức hoàn toàn không cho người nhà vào bởi vì người thân ngoài chăm sóc về vật chất thì còn yếu tố tinh thần, động viên về mặt tâm lý, tình cảm… Việc phát triển mô hình điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân sẽ hạn chế được quá tải, lây nhiễm chéo… đồng thời giúp cho y tế phát triển hơn, đội ngũ điều dưỡng có cơ hội làm việc và nâng cao trình độ” - PGS-TS Nguyễn Võ Kỳ Anh bày tỏ.

HUYÊN NGUYỄN – ĐÌNH TRƯỜNG
TIN LIÊN QUAN

Cần một chiến lược phục hồi kinh tế từ y tế

HUYÊN NGUYỄN - ĐÌNH TRƯỜNG |

Y tế Việt Nam thời gian qua được người dân và thế giới ghi nhận với nhiều thành tựu nổi bật nhưng để phát triển vững mạnh hơn chúng ta không được “ngủ quên” trên chiến thắng. Việt Nam cần một chiến lược phát triển hậu COVID-19 bền vững, đặc biệt là chiến lược phục hồi kinh tế từ y tế.

Man United bất lực trước cựu thủ môn Henderson, chia điểm Crystal Palace

TAM NGUYÊN |

Những pha cứu thua xuất sắc của Dean Henderson khiến đội bóng cũ Man United phải chia điểm trên sân Crystal Palace tại vòng 5 Premier League.

8 triệu m3 đất đá nguy cơ sạt lở, người dân di dời khẩn cấp

Bài và Ảnh: Đặng Tình |

Hòa Bình - Một khu vực đồi cao rộng 7ha với 8 triệu m3 đất có nguy cơ sạt lở khiến hàng trăm người dân phải di dời khẩn cấp.

Sạt lở, đất đá đổ xuống đèo Bảo Lộc trong đêm tối

HOÀI THANH |

Trên Quốc lộ 20, đoạn qua đèo Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng vừa xảy ra tình trạng sạt lở đất đá trong đêm tối.

TPHCM áp dụng bảng giá đất hiện hành tính thuế về đất đai

Bảo Chương |

UBND TPHCM chính thức có văn bản cho phép sử dụng bảng giá đất hiện hành để tính thuế trong lúc chờ ban hành bảng giá đất mới.

Hàng nghìn người tận hưởng lễ hội mùa thu Hà Nội

Thạch Lựu |

Sáng 21.9, hàng nghìn lượt khách du lịch đã tham gia, trải nghiệm nhiều hoạt động đặc sắc của Festival Thu Hà Nội năm 2024 tại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm.

Xuất hiện 2 hố sụt lún ở gần nhà dân tại Quảng Bình

CÔNG SÁNG |

Ngày 21.9, UBND xã Ngân Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) cho biết, có 2 hố sụt xuất hiện trên địa bàn uy hiếp đến các hộ dân.

Sập giàn giáo ở Ninh Bình khiến 2 người tử vong

NGUYỄN TRƯỜNG |

Trong lúc các công nhân đang tiến hành đổ bêtông tại một nhà xưởng ở xã Ninh An (huyện Hoa Lư, Ninh Bình) không may giàn giáo bị sập khiến 2 người tử vong.