Cân nhắc hạ tỉ trọng margin về 0
Thống kê trong 2 tuần vừa qua, VN-Index giảm tổng cộng 5,61%. Mức giảm nhỏ giọt qua từng ngày, chỉ có 3 phiên trong số 10 phiên vừa qua xanh điểm. Thanh khoản đồng thời hao hụt với tuần gần nhất giảm tới 25% so với tuần liền kề.
Ông Nguyễn Văn Sơn - chuyên gia phân tích tại Chứng khoán Phú Hưng - nhận thấy những cổ phiếu có nền tảng cơ bản xấu và khối lượng giao dịch hằng ngày lớn sẽ có mức sụt giảm mạnh hơn. Điều này lý giải cho hiện tượng chỉ số giảm không nhiều nhưng cổ phiếu điều chỉnh mạnh hơn đáng kể, bởi các cổ phiếu bluechips với sức chi phối điểm số lớn nhưng có nền tảng cơ bản mạnh mẽ đã giảm ít hơn phần còn lại.
"Dưới góc nhìn về triển vọng nửa đầu năm 2023, VN-Index vẫn chưa có thay đổi tích cực trong xu hướng dài hạn mà hướng tới kịch bản sideway trong biên độ rộng. Tôi cho rằng tỉ trọng cổ phiếu nên ở mức an toàn và việc lựa chọn cổ phiếu đang trở nên quan trọng hơn", ông Sơn cho biết.
Nhà đầu tư đang nắm giữ nhiều cổ phiếu nên đánh giá và cơ cấu lại danh mục của mình, ưu tiên giữ lại các cổ phiếu có nền tảng cơ bản mạnh, loại bỏ các cổ phiếu có triển vọng kinh doanh đi xuống. Đặc biệt trong bối cảnh dòng tiền chung yếu nên hạn chế nắm giữ các cổ phiếu có khối lượng giao dịch hằng ngày quá lớn.
Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 tại Chứng khoán Yuanta Hà Nội - ông Nguyễn Việt Quang lại liên tưởng thị trường hiện nay đến câu chuyện chú ếch và nồi nước sôi.
Ông khuyến nghị: "Với những nhà đầu tư đang nắm giữ full margin, tôi nghĩ cần chủ động hạ tỉ trọng về mức 0 và đưa ra kế hoạch bán cổ phiếu khi giá giảm thủng mốc nào để bảo vệ tài khoản. Với nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu mà không dùng margin cũng cần đưa ra kịch bản quản trị rủi ro cho các cổ phiếu mình nắm giữ".
Chú ý vào sóng cổ phiếu vừa và nhỏ
Chứng khoán DSC kỳ vọng thị trường sẽ đi ngang trong năm 2023 bởi nền tảng nền kinh tế còn nhiều khó khăn, doanh nghiệp khó tăng trưởng. Song song điểm tích cực là thị trường chứng khoán cũng đã điều chỉnh rất sâu trong năm 2022 theo kỳ vọng kinh tế xấu đi.
Trong 3 năm trở lại đây (2020 - 2022), mỗi năm đều xuất hiện một làn sóng nhóm cổ phiếu MIDCAP (nhóm vốn hóa vừa) và SMLCAP (nhóm vốn hóa nhỏ) khi VN-Index hay VN30-Index có dấu hiệu chững lại. Trong các đợt sóng kể trên, tỉ suất sinh lời của 2 nhóm vốn hóa vừa và nhỏ vượt trội hơn rất nhiều so với các chỉ số lớn như VN-Index hay VN30-Index.
Theo DSC, có 2 nguyên nhân chính dẫn đến sóng này:
Thứ nhất, trong giai đoạn thị trường có phần ảm đạm hơn (chỉ số chính đi ngang), dòng tiền của nhà đầu tư luân chuyển xoay vòng từ nhóm cổ phiếu bluechips sang các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ nhằm mục đích kiếm lợi nhuận.
Thứ hai, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ có vốn hóa thấp, dễ bị tác động bởi dòng tiền đầu tư hơn. Cụ thể, nhóm VNMID có tổng vốn hóa khoảng 750.000 tỉ đồng còn VNSML vào khoảng 230.000 tỉ đồng. Trong khi đó, VN30 có vốn hóa cao gấp 4,3 lần VNMID và 14 lần VNSML.
Do có giá trị vốn hóa không cao, dòng tiền chuyển dịch từ nhóm bluechips có thể dễ dàng tác động đến giá trị giao dịch của các cổ phiếu nhóm vừa và nhỏ, từ đó tạo ra các làn sóng hàng năm.