Nhiều điện mặt trời, điện gió... ảnh hưởng đến giờ vận hành của các nguồn khác
"Phát triển quá nhiều điện gió, mặt trời có thể gây tăng giá điện. Vì thế, việc phát triển cần được cân nhắc ở mức độ phù hợp với lưới điện, khả năng vận hành", Bộ Công Thương nêu tại một báo cáo mới đây.
Tuy nhiên, quan điểm này ngay lập tức vấp phải ý kiến trái chiều từ dư luận. Có ý kiến cho rằng, không thể hiểu nổi cách giải thích này của Bộ Công Thương, bởi theo nguyên tắc bất biến từ xưa tới nay thì càng cạnh tranh, cung lớn hơn cầu thì giá càng giảm. Nay điện mặt trời phát triển lại khiến giá điện tăng khác nào một nghịch lý?
Trao đổi với Lao Động, chuyên gia cao cấp năng lượng Đào Nhật Đình - Thường trực Hội đồng khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam cho biết, giá FIT cho điện mặt trời và điện gió cao hơn giá bán điện bình quân hiện nay của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đó là nguyên nhân gây áp lực tăng giá bán điện.
Theo chuyên gia, với những quốc gia có tỉ lệ năng lượng tái tạo (gió, mặt trời) cao trong tổng nguồn điện (trung bình số giờ vận hành của điện gió khoảng 3.000 giờ/năm, điện mặt trời là 1.500 giờ/năm) - cũng làm ảnh hưởng chung đến số giờ vận hành của các nguồn năng lượng khác.
"Tỉ lệ vận hành của điện mặt trời, điện gió càng cao thì số giờ vận hành của điện khí càng thấp. Mặc dù số giờ vận hành thấp đi, nhưng để có điện chạy nền, phục vụ cho năng lượng tái tạo, điện khí phải huy động công suất đặt rất lớn.
Ở Đức, tổng công suất đặt của điện khí gấp gần 3 lần nhu cầu vì tỉ lệ năng lượng tái tạo quá cao. Đó cũng là nguyên nhân gây áp lực tăng giá điện. Chưa kể, còn phải đầu tư hệ thống lưu trữ năng lượng vô cùng đắt đỏ", chuyên gia Đào Nhật Đình cho hay.
Nhiều điện mặt trời, điện gió càng gây áp lực tăng giá điện
Ông Bùi Quốc Hùng - Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cũng cho Lao Động biết, hiện giá điện mặt trời theo cơ chế giá FIT tương đối cao. Giá điện mặt trời giai đoạn 1 là 9,35 cent (khoảng 2.100 đồng/kWh), giá điện mặt trời giai đoạn 2 là 7,09 cent (khoảng 1.644 đồng/kWh), giá điện gió là 8,5 cent (khoảng 1.927 đồng/kWh).
"Mức giá này cao hơn rất nhiều so với giá bán điện bình quân của Tập đoàn Điện lực Việt Nam khi giá bán chỉ 1.860 đồng/kWh", ông Hùng khẳng định và cho biết, giá mua điện mặt trời cao như vậy, nhưng giá bán lại thấp đương nhiên gây áp lực tăng giá điện trong thời gian tới.
"Không ai mua vào với giá cao mà lại bán giá thấp, như thế sẽ lỗ vốn", Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho hay.
Cũng theo ông Hùng, điện mặt trời chỉ huy động được ban ngày, không huy động được vào ban đêm. Nếu cân đối phù hợp giữa các nguồn thì không vấn đề gì, nhưng khi tỉ lệ điện mặt trời quá lớn so với cơ cấu nguồn điện thì các nguồn khác phải hỗ trợ cho điện mặt trời ở những thời điểm không thể huy động được.
"Khi phát triển điện mặt trời quá nhiều, trong khi vẫn phải cần nhiều nguồn khác để hỗ trợ loại hình năng lượng này, đồng nghĩa với việc công suất dự trữ phải tăng lên. Khi công suất dự trữ tăng lên thì chi phí đầu tư và sản xuất cũng tăng lên, giá thành cũng tăng lên - điều này gây áp lực tăng giá điện", ông Hùng nói.
Vì lý do này nên trong dự thảo Quy hoạch Điện VIII hiện đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt, đến năm 2030 sẽ không phát triển điện mặt trời mặt đất nữa, còn điện mặt trời áp mái vẫn có thể khuyến khích để tự sử dụng.
Nói về việc phát triển điện mặt trời tự sử dụng, trao đổi với Lao Động, chuyên gia năng lượng Phan Công Tiến cho biết, việc phát triển hệ thống điện mặt trời khi tự sử dụng hết sức ưu việt. Bởi cơ chế này không gây áp lực đường truyền tải, không ảnh hưởng đến điện áp, sóng hài, không ảnh hưởng tiêu cực lên lưới điện quốc gia.
"Việc phát triển điện mặt trời tự sử dụng cần được nhà nước khuyến khích mạnh mẽ và thủ tục thông thoáng để phát triển nhằm góp phần giải quyết an ninh năng lượng cho mỗi doanh nghiệp và an ninh năng lượng quốc gia", ông Phan Công Tiến nói.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, do đặc thù hệ thống điện mặt trời quy mô càng nhỏ, giá thành hệ thống trên kWh càng cao. Vì vậy, các hệ thống điện mặt trời tự dùng có nhược điểm là tính khả thi về hiệu quả kinh tế tài chính thấp nếu chỉ tự sử dụng, mà không bán phần điện dư lên lưới. Việc phải cắt bỏ một phần sản lượng sẽ làm giảm hiệu quả đầu tư, gây lãng phí xã hội.
Chính vì vậy, các bộ, ngành cần xem xét, nghiên cứu, yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam mua một phần điện từ các hệ thống điện này, với giá mua bằng mua các nguồn điện khác theo cơ chế mua bán điện trực tiếp DPPA mà Bộ Công Thương đang trình Chính phủ xem xét, phê duyệt.