Báo cáo tại hội thảo, ông Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn - cho biết, hiện có đến 90% nông sản của Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, giá xuất khẩu thấp hơn các sản phẩm cùng loại của nhiều nước khác.
Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm nông sản có sản lượng xuất khẩu đứng nhóm đầu thế giới nhưng hầu như chưa có một thương hiệu mạnh, được người tiêu dùng biết đến rộng rãi; 80% sản lượng nông sản xuất khẩu chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có lô-gô, nhãn mác riêng và chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo ông Trần Công Thắng, đến nay, mới chỉ có 2/13 sản phẩm nông sản chủ lực quốc gia đã được đăng kí bảo hộ tại Việt Nam gồm: Nhãn hiệu chứng nhận Cao su Việt Nam (Hiệp hội Cao su Việt Nam làm chủ sở hữu) và Gạo Việt Nam (Bộ NNPTNT làm chủ sở hữu). Các sản phẩm còn lại như cà phê, tôm, cá tra,... đang trong quá trình xây dựng.
Về kết quả xây dựng thương hiệu vùng, miền, địa phương, tính đến nay có 130 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Việt Nam. Các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam chủ yếu thuộc nhóm các sản phẩm trồng trọt. Tính đến giữa năm 2023, có 626 sản phẩm nông sản được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận địa phương; gần 1.900 nông sản được bảo hộ nhãn hiệu tập thể.
Tại đây, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp tham gia thảo luận, trao đổi, chia sẻ để đưa ra chiến lược tổng thể quốc gia về nhãn hiệu và thương hiệu quốc gia, làm sao phát huy được giá trị của sản phẩm. Đồng thời, quản lý được thương hiệu, nhãn hiệu và có thể định hướng cho phát triển thương hiệu, nhãn hiệu.
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam thống nhất ý kiến của các đại biểu trong việc đề xuất Chính phủ xây dựng Nghị định, nhằm quản lý thương hiệu nông sản Việt Nam trong thời gian tới.
Thứ trưởng đề nghị Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, các Hiệp hội ngành hàng, trong thời gian hoàn tất để trình Chính phủ, cần chọn ra một số sản phẩm chủ lực để làm trước.
“Tôi rất muốn con tôm, con cá tra, trái sầu riêng… được trở thành các sản phẩm chủ lực quốc gia. Chúng ta phải bắt tay vào làm ngay, không ngồi chờ nữa vì đã quá lâu rồi”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Việt Nam cần xây dựng nhãn hiệu nông sản để bảo vệ giá trị sản phẩm của mình; bắt đầu từ tiêu chuẩn, quy chuẩn, truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, phải xây dựng chuỗi giá trị; từ nguồn giống đến khi ra được sản phẩm, qua đơn vị của quốc gia về quản lý chất lượng sản phẩm, Cục Sở hữu trí tuệ,… từ đó mới phân định rõ được cơ chế quản lý của từng bộ phận, các ngành, các cấp, địa phương.
“Trước đó, từ vụ việc gạo ST25 bị đơn vị nước ngoài đăng kí bảo hộ độc quyền, doanh nghiệp phải tự đi xử lý để bảo vệ mình, đây là bài học xương máu cho xây dựng thương hiệu nông sản Việt... Tôi đã phải xin lỗi Anh hùng lao động Hồ Quang Cua vì nhiều hạn chế trong công tác chỉ đạo của mình”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.