Đã hơn 11h trưa, chị H.C chủ sạp kinh doanh quần áo tại chợ Bến Thành (Quận 1, TPHCM) vẫn chưa bán được mặt hàng nào. Chị và những người kinh doanh gần đó chỉ biết ngồi tụm lại nói chuyện với nhau. Mỗi lần có người đi ngang qua chị chỉ biết mời gọi "ghé vào xem đồ đi em, không mua cũng ghé cho chị vui".
Đóng sạp hơn 3 tháng nay, do ở nhà buồn nên chị H.C mở lại sạp quần áo của mình. "Vì sạp của nhà nên tôi không trả lại cũng chưa sang sạp được mà thuế và các loại phí tính sơ cũng hơn 3 triệu đồng/tháng. Vừa mở chưa bao lâu thì dịch COVID-19 bùng phát trở lại, tiểu thương chúng tôi không biết cầm cự được nữa không, nếu tình hình kéo dài chắc tôi sẽ tìm chỗ khác kinh doanh". - Chị H.C tâm sự.
Cùng tình cảnh, tại chợ An Đông, ghi nhận hơn 20 phút nhưng không có khách hàng nào ghé qua các gian hàng bán quần áo, giày dép. Tại một số gian hàng khác như đồ khô, đồ nhựa,... nhiều tiểu thương cũng không mặn mà mời khách.
Theo ông Thuận bán đồ thủ công mỹ nghệ hơn 20 năm tại chợ An Đông (Quận 5, TPHCM), từ khi hết lệnh giãn cách xã hội, sạp của ông vẫn bán được lai rai, đủ chi trả một số khoản chi phí. Tuy nhiên, từ khi các ca mắc COVID-19 xuất hiện trở lại, doanh thu giảm sút rõ rệt, không có khách ghé chợ.
"Cả tuần nay 2 sạp của tôi bán không quá 10 sản phẩm, doanh thu chưa tới 500.000 đồng/tuần. Tôi dự định sang tuần sẽ trả giấy phép 1 sạp, chỉ giữ lại 1 sạp để kinh doanh cầm chừng qua dịch". - Ông Thuận chia sẻ.
Ghi nhận tại chợ Bến Thành và chợ An Đông, hơn 50% hộ kinh doanh nơi đây đóng cửa hoặc để biển sang sạp. Các sạp mở kinh doanh hiện tại hầu như đều là sạp của gia đình, trong khi đó các sạp đóng cửa chủ yếu là sạp được thuê lại.
Theo Cục Thuế TPHCM, có đến 47.561 hộ gia đình, cá nhân kinh doanh có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm nghỉ do dịch COVID-19, thuộc diện được hỗ trợ kinh doanh theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ.
Trong đó, hơn 2.000 cá nhân kinh doanh đã gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ, cơ quan thuế đã thẩm định 1.409 hồ sơ và xác định 1.001 hồ sơ thuộc diện được hỗ trợ.