Quý IV/2021 phải có giấy chứng nhận an toàn hệ thống
Theo kế hoạch ban đầu vào cuối năm 2021, tuyến metro số 1 sẽ vận hành thương mại. Tuy nhiên, do bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 và khó khăn trong công tác đào tạo nhân sự, xác định giá trị nguồn vốn ODA cấp phát từ Trung ương... nên tuyến metro số 1 phải dời sang năm 2022 mới vận hành thương mại.
Để nghiệm thu, bàn giao công trình đưa vào sử dụng, UBND TPHCM giao Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM (MAUR) phối hợp với Hội đồng nghiệm thu nhà nước và các đơn vị liên quan chuẩn bị hồ sơ, thủ tục để tuyến metro số 1 được chấp thuận nghiệm thu và bàn giao đưa vào sử dụng.
Đồng thời, phối hợp với Cục đường sắt Việt Nam, Tư vấn tổ chức đánh giá để tuyến metro số 1 được cấp giấy chứng nhận an toàn hệ thống. Hai nhiệm vụ trên phải hoàn thành trong quý 4/2021.
UBND TPHCM cũng giao MAUR phối hợp Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 thực hiện đào tạo, chuyển giao công nghệ và hỗ trợ vận hành. Thành phố đặt ra yêu cầu phải tự vận hành bảo trì tuyến metro số 1 đảm bảo chất lượng và yêu cầu khai thác theo quy định.
Về công tác chuẩn bị tiếp nhận, vận hành, khai thác, UBND TPHCM giao Sở Giao thông Vận tải (GTVT), Ban quản lý đường sắt đô thị, Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 ban hành các quy định liên quan đến tổ chức, quản lý, khai thác tuyến đường sắt đô thị.
Thành phố cũng giao Ban quản lý đường sắt đô thị phối hợp Trung tâm quản lý giao thông công cộng xây dựng phương án giá vé cho giai đoạn đầu vận hành tuyến metro số 1. Đồng thời, xây dựng chính sách giá vé, trợ giá cho giao thông công cộng bằng đường sắt đô thị trên địa bàn thành phố.
Các giải pháp hỗ trợ khi tuyến metro số 1 vận hành
UBND TPHCM cũng yêu cầu xây dựng các tuyến buýt kết nối, liên thông vé điện tử, phát triển đô thị... nhằm hỗ trợ, khai thác hiệu quả tuyến metro số 1.
Theo đó, giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trinh giao thông thành phố sớm triển khai và đưa vào khác thác tuyến buýt nhanh (BRT) số 1 để hỗ trợ kết nối cho metro số 1. Dự kiến, tuyến BRT đầu tiên của TPHCM sẽ khởi công tháng 9 năm nay và hoàn thành cuối năm 2022, phục vụ khách đi lại thuận tiện giữa hai loại hình vận tải công cộng khối lượng lớn này.
Trung tâm quản lý giao thông công cộng được giao triển khai dự án tăng cường khả năng tiếp cận và tổ chức các tuyến xe buýt kết nối nhà ga tuyến metro số 1. Đồng thời, tái cấu trúc mạng lưới xe buýt dọc Xa lộ Hà Nội và các địa bàn lân cận dọc hành lang tuyến metro số 1. Các nội dung này phải hoàn thành trong quý 4.2022.
Bên cạnh đó, dọc tuyến metro 1 cần xây dựng các bãi đỗ xe, nhà chờ xe buýt... giúp khách thuận tiện chuyển đổi phương tiện đi lại.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc được giao rà soát, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, thiết kế đô thị xung quanh nhà ga metro số 1 theo định hướng phục vụ giao thông.
TPHCM cũng yêu cầu tuyến metro số 1 sử dụng vé điện tử thông minh và sẽ kết nối dùng chung với các tuyến metro sau này cũng như loại hình giao thông công cộng khác tại thành phố.
Ngoài ra, ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó xây dựng phần mềm mới để hỗ trợ quản lý, vận hành, phục vụ khách... cho metro số 1.
Tính đến ngày 8.6, toàn tuyến metro số 1 đã hoàn thành 85,77% khối lượng. Trong thời gian TPHCM giãn cách xã hội, các nhà thầu tuyến metro số 1 vẫn làm việc không ngừng và ưu tiên chống dịch trên công trường.
Tuyến metro số 1 dài 19,7km, trong đó đoạn đi ngầm dài 2,6 km, đoạn đi trên cao dài 17,1km. Toàn tuyến có 14 nhà ga gồm 3 ga ngầm và 11 ga trên cao. Tổng mức đầu tư sau khi được điều chỉnh là 43.700 tỉ đồng.