Tổ chức điểm bán lưu động
Tại họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch COVID-19 tại TPHCM tối 13.7, ông Nguyễn Nguyên Phương – Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM đã thông tin về tình hình cung ứng hàng hoá 24h qua.
“Ngày hôm nay, lượng hàng thống kê về Thành phố chủ yếu là thực phẩm tươi sống đạt khoảng 1.900 tấn, tăng hơn 100 tấn so với ngày hôm qua. Chúng tôi phối hợp với TP.Thủ Đức và Chợ đầu mối Thủ Đức triển khai việc đưa hàng hoá về tại chợ, trung chuyển xe nhỏ để đưa về các chợ truyền thống, góp phần giảm tải” – ông Phương cho biết.
Các giao dịch của thương lái, thương nhân chủ yếu qua điện thoại và trung chuyển qua xe tải nhỏ. Lái xe và bốc xếp được xét nghiệm và thực hiện các quy định đảm bảo giãn cách.
Thông thường, lượng hàng về chợ đầu mối khoảng từ 7.000 đến 7.500 tấn nhưng thời gian qua chỉ khoảng từ 4.500 đến 5.000 tấn, lượng dùng cũng hạn chế hơn do đang thực hiện giãn cách.
“Các hệ thống phân phối cũng đã tăng công suất lên 5 lần. Hôm nay còn 59 chợ hoạt động, tạm dừng hoạt động 2 siêu thị so với hôm qua. Như vậy, tổng số siêu thị bị tạm dừng tăng lên 6 siêu thị, do đó kênh phân phối cũng bị hạn chế hơn. Việc cung ứng hàng hoá cho người dân gặp rất nhiều khó khăn” – ông Phương nói.
Về biện pháp nhằm giúp đảm bảo hàng hoá cho người dân, Sở Công thương tiếp tục khai thác các nguồn lực xã hội để cùng đưa các bưu cục địa phương hình thành điểm bán hàng lưu động để cung ứng cho người dân. Tổ chức 24 điểm bán lưu động để cung ứng cho người dân.
Bán hàng theo combo
Trước việc người dân đặt hàng online 2-3 ngày chưa có hàng, ông Phương cho biết: "Ngoài việc một số nhân lực thuộc diện cách ly thì trong thời gian thực hiện giãn cách nên lực lượng phân phối của hệ thống hiện tại khó khăn. Thêm nữa, khi dừng chợ truyền thống thì việc cung ứng hàng hoá cũng đặt gánh nặng hơn cho các siêu thị, cửa hàng tiện ích".
Nói về giải pháp, ông Phương cho hay đã thông tin số điện thoại đầu mối của từng siêu thị, cửa hàng trong khu vực cho UBND để tuyên truyền xuống người dân, trong trường hợp đăng ký mua hàng online không được thì có thể gọi điện cho người đầu mối để hỗ trợ xử lý.
Ông Phương cũng thông tin thêm, sắp tới, để hạn chế thời gian phân loại hàng hoá, các siêu thị sẽ hướng tới chuẩn bị đơn hàng theo các combo khác nhau, tính toán theo nhu cầu của gia đình để tạo thuận lợi cho hệ thống phân phối.
Ngoài ra, Sở cũng nghiên cứu mở lại các chợ truyền thống, cho phép một số tiểu thương có kinh nghiệm, được xét nghiệm COVID-19 sẽ cho bán trong không gian rộng, đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Tiểu thương cũng sẽ đóng gói hàng hoá theo một quy chuẩn sẵn, tổ dân phố phát phiếu luân phiên cho người dân tới mua.
Về phản ánh siêu thị thiếu hàng, ông Phương nhận định chủ yếu ở các cửa hàng tiện lợi, do không có kho dự trữ, quầy nhỏ còn các siêu thị lớn có kho chứa lớn thì rất khó xảy ra hiện tượng này. Với lượng mua lớn, khó đáp ứng ngay kịp thời và có xảy ra cục bộ một số nơi.
Trước bối cảnh khó khăn chung, đại diện Sở Công thương mong muốn người tiêu dùng thông cảm và sẻ chia, nếu cứ đòi hỏi thuận lợi như bình thường thì rất khó.