Có thể trợ giá cho bà con ngư dân bám biển
Mới đây, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết về giảm Thuế Bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn về mức sàn. Theo ông, việc giảm Thuế Bảo vệ môi trường như vậy có "đủ sức" để "hạ nhiệt" giá xăng dầu?
- Bản chất của việc tăng giá xăng dầu trong nước là bởi giá dầu thế giới tăng quá cao. Chúng ta không muốn giá xăng dầu tăng quá "sốc" vì ảnh hưởng đến chỉ số CPI, lạm phát, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và doanh nghiệp nên phải cắt giảm các nguồn thu ngân sách từ xăng, dầu.
Khoản thu ngân sách từ xăng dầu hiện nay đến từ việc thu thuế nhập khẩu, Thuế Giá trị gia tăng, Thuế Tiêu thụ đặc biệt và Thuế Bảo vệ môi trường. Ba thuế đầu, Nhà nước chưa dùng đến, mới chỉ giảm Thuế Bảo vệ môi trường về mức sàn. Nếu mức giảm Thuế Bảo vệ môi trường vẫn chưa đạt được mục tiêu làm giảm tác động tăng thì cần xem xét giảm tiếp các loại thuế phí khác.
Có ý kiến cho rằng, bản chất khi giảm thuế VAT hay Tiêu thụ đặc biệt với xăng, dầu không phải giảm thu hay hy sinh ngân sách, mà là "điều chỉnh phù hợp với giá thế giới". Bởi, giá dầu thô thế giới đang tăng, Việt Nam cũng được hưởng lợi nhiều hơn trong xuất khẩu mặt hàng này. Ông nhận định thế nào về vấn đề này?
- Việc giảm thuế phải đặt trong tổng thể cân đối chung của ngân sách, tất cả khoản thu, khoản chi, chứ không phải mỗi chuyện thu từ dầu thô. Việc thu từ dầu thô hiện nay thì ổn nhưng nên nhớ rằng, chúng ta vẫn là nước nhập siêu dầu thô nên cần tính toán phần nhập siêu đó.
Chính vì vậy, tôi cho rằng, cần phải đảm bảo khả năng cân đối của ngân sách. Đây là bài toán tổng thể, chứ không chỉ là câu chuyện thu dầu thô tăng.
Thậm chí, cũng phải tính toán đến việc nếu đã thực hiện giảm các loại thuế mà giá xăng dầu vẫn cao ngất ngưởng, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, thì cần nghiên cứu việc ngân sách phải chi ra để trợ giá, giống như nhiều quốc gia trên thế giới đang làm.
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính từ đầu năm, giá dầu diesel 0.05S - nhiên liệu chính cho tàu khai thác thủy sản đã tăng lên 65%, điều này khiến nhiều tàu cá phải ngừng hoạt động khai thác thủy sản do thu không đủ bù chi phí đầu vào. Chính sách an sinh, nếu được dùng sẽ hướng đến đối tượng này?
- Đối với những đối tượng yếu thế, chịu tác động trực tiếp bởi đà tăng của giá xăng dầu, một là có thể trợ giá không phân biệt các đối tượng; hoặc thực hiện trợ giá có phân biệt đối tượng giống như cách đây mấy chục năm, chúng ta đã trợ giá cước và dầu hoả cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Chính phủ và các bộ ngành có thể nghiên cứu trợ giá cho bà con ngư dân để họ ra khơi bám biển. Ví dụ, hiện xăng dầu bán gần 33.000 đồng mỗi lít, thì mình chỉ bán khoảng 20.000 đồng mỗi lít cho bà con ngư dân. Song phương án này cũng có bất cập là bà con có thể mang số xăng dầu được trợ giá này bán lại với giá cao, rất khó kiểm soát.
Chính vì vậy, nếu hỗ trợ cho ngư dân bám biển cần tính toán lượng dầu hỗ trợ và quy đổi bằng tiền, nếu ngư dân không đi biển thì không được hỗ trợ.
Điều này hoàn toàn có thể làm được vì số lượng ngư dân được chính quyền địa phương quản lý rất kỹ, ngư dân đi biển ngày nào, về ngày nào đều được kiểm soát. Chính sách an sinh, hỗ trợ để giúp cho bà con không phải để thuyền nằm bờ, tạo sinh kế cho bà con ngư dân.
Quỹ Bình ổn xăng dầu đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử
Ông dự báo giá xăng dầu trong thời gian tới biến thiên thế nào?
- Rất khó để dự báo nếu không muốn nói không thể dự báo được. Bởi hiện nay, thị trường xăng dầu đang chuyển dịch rất phức tạp đến từ các hành động của Mỹ, tổ chức Opec, triển vọng từ cuộc xung đột Nga - Ukraina, tất cả đều là biến số không thể dự báo trước được.
Hiện nay, Quỹ bình ổn xăng dầu âm rất sâu, Bộ Tài chính cũng đề xuất bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu, ông có quan điểm như thế nào?
- Nên bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu vì quỹ này chỉ phát huy tác dụng khi thị trường xăng dầu trồi sụt, lúc tăng lúc giảm, lúc có thu và lúc có chi với mục đích giảm bớt sự trồi sụt của thị trường.
Còn bây giờ, thị trường xăng dầu tăng vùn vụt như vậy, Quỹ bình ổn không thể chỉ chi suốt được, hoặc có chi cũng chỉ vài trăm đồng mỗi lít, không có nghĩa lý gì cả.
Tôi cho rằng, việc duy trì Quỹ bình ổn xăng dầu vừa gây khó khăn trong vấn đề quản lý giá, vừa gây lãng phí nguồn lực tài chính lại không tạo sự đồng thuận của xã hội. Tóm lại, Quỹ bình ổn xăng dầu đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, giờ đến lúc nên bỏ.
Với việc điều hành thị trường xăng dầu, điều quan trọng nhất phải tìm những biện pháp mang tầm chiến lược, không phải là những biện pháp đối phó, thậm chí phi thị trường như thế.
Giải pháp chiến lược, theo ông là gì?
- Với thị trường xăng dầu nếu quyết định không kịp thời sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Chính vì vậy, cần tạo ra cơ chế linh hoạt, phù hợp về mặt thời điểm để chính sách phát huy tác dụng.
Vừa rồi trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Quốc hội cũng đã giao một số quyền cho Chính phủ, điều này hoàn toàn làm được.
Xin cảm ơn ông!