Có tới 86 cụm từ Tập đoàn dầu khí Việt Nam xuất hiện trong dự thảo luật
Thảo luận về dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) sáng 15.6, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) dẫn những con số ấn tượng về ngành dầu khí như hiện nay như Việt Nam còn 51 hợp đồng đang tiếp tục khai thác, ngành dầu khí Việt Nam đã khai thác trên 420 triệu tấn dầu và trên 160 tỉ m3 khí.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - doanh nghiệp nòng cốt của ngành dầu khí đã có những đóng góp quan trọng cho tổng thu ngân sách nhà nước và tổng sản phẩm quốc nội; giai đoạn 2006-2015 đóng góp khoảng 20- 25% tổng thu ngân sách và GDP. Hiện nay, Việt Nam đang đứng thứ 33 trên 98 quốc gia có sản lượng dầu khai thác trong năm 2021.
"Đây là một thành tựu rất đáng khích lệ nhưng hiện nay hầu hết các mỏ dầu khí chủ đạo, đều đang khai thác với mức độ suy giảm sâu về sản lượng. Các mỏ mới dự kiến đưa vào phần lớn các mỏ có cấu tạo phức tạp, trữ lượng nhỏ, công tác khai thác gặp nhiều khó khăn và thách thức nguồn tài nguyên dầu khí tại chỗ.
Trong khi đó các thể chế, chính sách hiện hành chưa có cơ chế khuyến khích phù hợp cho hoạt động đầu tư để phát triển các mỏ nhỏ và cận biên, khuyến khích thu hút thêm nhà đầu tư trong nước và nước ngoài", đại biểu nói.
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, dự thảo gồm 64 Điều, 11 chương. Mặc dù, Ban soạn thảo đã nghiên cứu, tham khảo các luật của Malaysia, Indonesia… Nhưng còn một số tồn tại, đó là khó khăn trong xây dựng luật là làm sao để tách bạch được chức năng quản lý nhà nước và chức năng kinh doanh của Tập đoàn Dầu khí quốc gia; làm sao khuyến khích được xã hội hóa, thu hút được nhà đầu tư nước ngoài, thu hút được tư nhân nhưng vẫn đảm bảo được vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước, đảm bảo được an ninh, quốc phòng.
Trong dự thảo luật, việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền giữa Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và Tập đoàn dầu khí Việt Nam cũng chưa rõ ràng.
Trong Chương 1 tại Điều 3 về giải thích từ ngữ, đại biểu đề nghị giải thích thêm các cụm từ hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí, hợp đồng tăng thu tài nguyên dầu khí…
"Dự thảo luật dành một chương đề cập đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và có tới 86 cụm từ Tập đoàn dầu khí Việt Nam xuất hiện trong dự thảo luật. Quy định như vậy dễ dẫn đến sự hiểu lầm là luật này dành cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam", ông Trần Hoàng Ngân băn khoăn.
Ông cũng đề nghị thêm một chương về công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm về dầu khí, bởi dầu khí là tài nguyên quốc gia có ý nghĩa quan trọng đến việc đảm bảo an ninh năng lượng và góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Cần thiết mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật toàn diện hơn
Đại biểu Vũ Thị Liên Hương (đoàn Quảng Nam) cho rằng, từ trước đến nay, hoạt động dầu khí hầu như là do đối tác bên ngoài thực hiện, trình độ công nghiệp trong nước chưa đủ năng lực để thực hiện thăm dò, khai thác dầu khí.
Do vậy, đại biểu đề nghị cần thiết kế một số điều quy định về đào tạo, chuyển giao công nghệ và các cơ chế, chính sách cụ thể đối với nhà thầu khi tham gia hoạt động dầu khí Việt Nam để chúng ta từng bước làm chủ công nghệ, kỹ thuật phát triển nền công nghiệp dầu khí.
Để phát triển ngành công nghiệp dầu khí, Đại biểu Hương cho rằng, phải chủ động tăng cường việc hợp tác quốc tế với các nhà đầu tư nước ngoài để huy động được nguồn vốn lớn, công nghệ hiện đại và chia sẻ rủi ro, đồng thời tiếp thu thành tựu khoa học kỹ thuật ngành dầu khí các nước phát triển.
Vì vậy, rất cần thiết mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật toàn diện hơn về chế định các nội dung cụ thể về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực dầu khí nhằm tạo ra khuôn khổ pháp lý đối với các bộ, ngành, tổ chức, đơn vị liên quan thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của mình, từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam.
Từ đó từng bước làm chủ công nghệ tìm kiếm, thăm dò, khai thác đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế biển trong thời kỳ mới.