Đội ngũ phân tích từ Công ty Chứng khoán Maybank mới đây đã đưa ra hai kịch bản cho thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2024, trong đó nâng hạng thị trường chứng khoán đóng vai trò then chốt.
Trong kịch bản cơ sở, chỉ số VN-Index có thể lên ngưỡng 1.250 điểm, chủ yếu được thúc đẩy bởi triển vọng lợi nhuận phục hồi. Tại kịch bản tích cực hơn, chỉ số có thể đạt 1.420 điểm với thanh khoản mạnh hơn từ khả năng nâng hạng thị trường.
Chi tiết về nâng hạng, thị trường chứng khoán Việt Nam đã được FTSE đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp từ năm 2018. Việt Nam đáp ứng đủ cả 2 tiêu chí định lượng nhưng vẫn chưa đạt 1 trong 9 tiêu chí định tính. Bằng việc yêu cầu ký quỹ trước giao dịch 100%, nhằm ngăn chặn người mua và người bán vỡ nợ, Việt Nam có thể đảm bảo rằng, tất cả các giao dịch được thực hiện và cổ phiếu được đổi mới. Tuy nhiên, điều này cũng hạn chế khả năng xoay dòng vốn của nhà đầu tư.
Maybank cho rằng, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đang trong giai đoạn cuối của việc loại bỏ yêu cầu "ký quỹ trước giao dịch" đối với nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Thông tư 120/2020/TT-BTC cần được sửa đổi, chỉ yêu cầu các công ty môi giới, ngân hàng lưu ký và nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đảm bảo nhà đầu tư có 100% tiền mặt từ T+1 thay vì T+0 (trước khi đặt lệnh trên sàn giao dịch) như quy định hiện hành. Đây là giải pháp tạm thời cho yêu cầu ký quỹ trước giao dịch trong khi chờ triển khai cơ chế đối tác bù trừ trung tâm như một giải pháp dài hạn.
Đội ngũ phân tích dự báo yêu cầu ký quỹ trước giao dịch của Việt Nam sẽ được loại bỏ trong quý I/2024. FTSE sẽ mất 6 tháng đến 1 năm để thu thập dữ liệu về các giao dịch không thành công. Trong trường hợp thuận lợi nhất, Việt Nam sẽ được chính thức nâng hạng sớm nhất trong kỳ đánh giá tháng 9.2024 hoặc muộn hơn là tháng 3.2025.
Sau đó, quá trình triển khai sẽ mất từ 6 tháng đến 2 năm để tích hợp đầy đủ các cổ phiếu đạt điều kiện của Việt Nam vào các chỉ số liên quan đến thị trường mới nổi của FTSE. Dựa trên dữ liệu tính đến ngày 22.11.2023, Maybank dự báo có 6 cổ phiếu HPG, VNM, VCB, VHM, VIC và MSN sẽ được đưa vào các chỉ số này.
Bên cạnh đó, việc nâng hạng thị trường của FTSE có khả năng sẽ thu hút thêm dòng vốn nước ngoài và đẩy thanh khoản hàng ngày lên khoảng 22 nghìn tỉ đồng (900 triệu USD) từ mức 17 nghìn tỉ đồng (700 triệu USD) hiện tại. Điều này sẽ hỗ trợ thị trường chứng khoán tăng lên 1.420 điểm như trong kịch bản tích cực.
Cập nhật từ Công ty Chứng khoán Vietcap, việc quyết định phân loại lại Việt Nam vào thị trường mới nổi của FTSE Russell có thể diễn ra vào tháng 3 hoặc tháng 9 (trong khuôn khổ các buổi đánh giá định kỳ 6 tháng) với thời gian hiệu lực 6 - 12 tháng sau đó. FTSE cũng sẽ công bố danh sách các cổ phiếu đủ điều kiện đáp ứng tiêu chí sàng lọc ngay sau thông báo.
Vietcap đã tiến hành tính toán sơ bộ dựa trên tiêu chí lựa chọn cổ phiếu vào thị trường mới nổi của FTSE. 30 cổ phiếu xếp đầu theo vốn hóa thị trường có khả năng đủ điều kiện tham gia FTSE Emerging Index gồm: VCB, VHM, HPG, VIC, VNM, MSN, SAB, STB, VJC, VRE, SSI, LPB, SHB, EIB, DGC, NVL, BVH, HVN, POW, VND, KDH, KBC, VGC, PDR, VCI, GEX, KDC, DCM, DIG, PVD.