Vì sao "cánh đồng lớn" được ra quân rầm rộ nhưng ngày càng "teo tóp"?
Trao đổi với PV Lao Động, ông Trương Sỹ Bá – một doanh nhân tâm huyết với ngành nông nghiệp buồn rầu chia sẻ: Từ năm 2010, “cánh đồng mẫu lớn” được khai trương rầm rộ, thậm chí cả Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) vào cuộc. Thế nhưng, chỉ được vài năm, phong trào lắng xuống và hiện "cánh đồng mẫu lớn" đã dần bị “teo tóp”.
“Cánh đồng mẫu lớn” là những cánh đồng có diện tích lớn được chọn làm hình mẫu để phát triển những cánh đồng lớn “thẳng cánh cò bay”. Tiếc rằng sau vài năm thực hiện, doanh nghiệp và nông dân không “gặp nhau” về mục tiêu, nhiều doanh nghiệp chỉ nhằm mục đích bán phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật và một số dịch vụ khác; nông dân thì khi giá lúa lên cao lại bán ra ngoài; doanh nghiệp thậm chí không mua lúa cho dân... Do mối liên kết mong manh, nên những cánh đồng lớn ngày càng teo tóp” – ông Trương Sỹ Bá nói.
Còn theo ThS Trịnh Phước Nguyên - Phó Viện trưởng Viện Biến đổi khí hậu (Đại học An Giang), nguyên nhân của việc "teo tóp" trên là do khi doanh nghiệp và nông dân “không cùng thuyền”, mục đích của doanh nghiệp và nông dân không song hành thì mối liên kết sẽ không bền vững.
“Rất vô lý khi đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa lớn, nhưng người trồng lúa không giàu, gạo Việt chất lượng tốt nhưng nhiều người dân vẫn ăn gạo nhập từ Campuchia, số lượng hợp tác xã lớn nhưng chất lượng không cao... Bên cạnh đó, nông dân làm ăn riêng lẻ, cạnh tranh nhau, che giấu thông tin để chen chân vào thị trường” – ông Nguyên nói. Cũng theo ông Trịnh Phước Nguyên, khi hành động tập thể, mua chung, làm cùng quy trình, bán chung sẽ tăng năng lực đàm phán, bảo vệ môi trường bền vững và tăng lợi nhuận.
“Cánh đồng hạnh phúc” là xây dựng được thương hiệu và chất lượng lúa gạo
Trao đổi với PV Lao Động, ông Trương Sỹ Bá – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Long – doanh nghiệp đang tích cực liên kết với nông dân mở rộng quy mô sản xuất theo mô hình hợp tác xã kiểu mới (hợp tác xã nông nghiệp hoạt động theo mô hình công ty cổ phần – PV) nhằm xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo đạt chuẩn, phát triển chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo bền vững, thẳng thắn đặt câu hỏi: Tham gia xây dựng “cánh đồng hạnh phúc” – một cách gọi khác của “cánh đồng lớn”, thì người nông dân được gì? Khi cùng doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất “cánh đồng hạnh phúc” thì nông dân có thực sự hạnh phúc không?
“Người tiêu dùng có thu nhập càng cao thì tiêu thụ gạo càng giảm, nhưng lại đòi hỏi rất khắt khe về chất lượng gạo. Để có được sản phẩm gạo sạch, có truy xuất nguồn gốc, giá thành hợp lý... thì không thể thực hiện trên những cánh đồng manh mún. Những cánh đồng lớn sẽ giúp giảm chi phí vật tư đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giảm nhân công lao động dẫn đến giảm giá thành, giá trị gia tăng sẽ cao, người trồng lúa sẽ có thu nhập cao hơn” – ông Trương Sỹ Bá khẳng định.
Ông Trương Sỹ Bá cũng khẳng định: Đồng hành cùng nông đân, mục tiêu lớn nhất mà Tân Long hướng tới là xây dựng được thương hiệu gạo A An đáp ứng tiêu chuẩn cao cấp của thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, thay đổi cách thức sản xuất, thay dần phân bón vô cơ làm đất bằng phân bón hữu cơ, vi sinh làm giàu cho đất.
Là một trong 300 xã viên tham dự Hội thảo, ông Mai Tân Tiến- Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Tân Tiến có trên 3200ha đất. Từ lâu, nhiều xã viên trong hợp tác xã đã mong muốn có sự tham gia của doanh nghiệp để không chỉ giải quyết vấn đề thu mua lúa gạo, mà còn được hỗ trợ về kỹ thuật canh tác, nâng cao giá thành sản phẩm, sản xuất an toàn, giá trị gia tăng cao, phương pháp canh tác đảm bảo sức khoẻ cho nông dân, tái tạo độ màu mỡ của đất trồng...
“Hợp tác xã chúng tôi sẽ hợp tác với Tân Long tham gia dự án phát triển chuỗi liên kết lúa gạo bền vững theo mô hình “cánh đồng hạnh phúc” với mục tiêu tăng lợi nhuận và bảo vệ môi trường” – ông Mai Tân Tiến nói.
Để xây dựng “cánh đồng hạnh phúc” với chuỗi sản xuất, tiêu dùng lúa gạo bền vững, giá trị cao, ông Nguyễn Thanh Mộng – Giám đốc phát triển dự án nông nghiệp (Sorimachi VietNam Co., Ltd), khẳng định: Cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp nói chung và ngành lúa gạo nói riêng, để từ đó có thể quản lý được nhật ký sản xuất, quản lý việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, truy xuất nguồn gốc bằng QR Code, theo dõi sản xuất, quản lý và hỗ trợ xã viên, thống kê mùa vụ, thương mại điện tử...