Trên 90% lao động đã trở lại làm việc
Sau hơn 1 tháng về quê lánh dịch COVID-19, chị Đường Thị Thắm (quê ở Văn Thành – Yên Thành – Nghệ An, làm việc tại Công ty TNHH Pousung Việt Nam) đã quay lại Khu công nghiệp Bàu Xéo (Trảng Bom, Đồng Nai) để làm việc. “Tại nhà máy của tôi, hầu hết lao động ngoại tỉnh đã trở lại làm việc từ 2 tuần nay”–chị Thắm cho hay.
Ông Lê Nhật Trường - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Pousung Việt Nam - cũng cho hay: Hiện trên 24.000 công nhân của công ty đã đi làm trở lại, đạt tỉ lệ trên 90%.
Theo thống kê của Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, đã có 1.657/1.713 doanh nghiệp trong các khu chế xuất trên địa bàn tỉnh hoạt động trở lại, đạt tỉ lệ 97%, có khoảng trên 130.000 lao động trở lại làm việc.
Những tháng cuối năm, đơn hàng nhiều, để duy trì và ổn định sản xuất, các doanh nghiệp đẩy mạnh các chính sách chăm lo để giữ chân người lao động. Điển hình như Công ty TNHH Pousung Việt Nam trợ cấp cho gần 8.000 công nhân đang nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi và lao động nữ mang thai; chi trả tiền ngừng việc trong thời gian từ ngày 22.7 đến 30.9.2021 cho 23.000 công nhân…
Trên địa bàn tỉnh Long An, các doanh nghiệp cũng đã sản xuất bình thường trở lại. Chiều 22.11, trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Quang Hòa–Giám đốc Công ty TNHH Dương Vũ, cho biết: Toàn bộ công nhân lao động của Dương Vũ đã được tiêm vaccine COVID-19 từ hơn 1 tháng nay, hiện nay tất cả lao động đã trở lại làm việc.
“Chúng tôi đang đẩy mạnh sản xuất để hoàn thành các đơn hàng và kế hoạch cuối năm. Để sản xuất an toàn, doanh nghiệp chúng tôi vẫn áp dụng các biện pháp 5K và các quy định về phòng chống dịch để sản xuất an toàn” – ông Hòa cho biết.
Là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch COVID-19, nhưng hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Dương, khoảng 97% doanh nghiệp đã ổn định sản xuất, Bình Dương đã đón khoảng 5.000-6.000 lao động ngoại tỉnh quay trở lại làm việc, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh đã trở lại bình thường.
Trên địa bàn TPHCM có khoảng 219.051 doanh nghiệp, đã có khoảng 90% lực lượng lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp đi làm trở lại. Hiện nay, các nhà máy ở TPHCM chỉ thiếu hụt khoảng 10% lao động và vấn đề này sẽ được giải quyết trong tháng 12.2021.
Đảm bảo chống dịch để sản xuất an toàn
Để đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19, khi đón công nhân trở lại làm việc, tỉnh Bình Dương đã triển khai tiêm vaccine cho người lao động. Bình Dương cũng đã thành lập 153 trạm y tế lưu động, trong đó có 31 trạm y tế lưu động trong khu, cụm công nghiệp để hỗ trợ các doanh nghiệp.
Để đảm bảo sản xuất an toàn, Sở Y tế TPHCM đã có văn bản hướng dẫn tạm thời phương án phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động liên tục khi phát hiện ca nhiễm COVID-19. Trong đó, nêu rõ: Người lao động tham gia hoạt động sản xuất phải đảm bảo một trong các điều kiện như: Đã tiêm vaccine đủ liều, đã tiêm ít nhất 1 mũi và có kế hoạch tiêm mũi 2, hoặc nhiễm COVID-19 đã khỏi bệnh.
Tỉnh Tiền Giang đã thành lập các Tổ Công tác hỗ trợ các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp khôi phục sản xuất – kinh doanh theo phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, trực tiếp hướng dẫn doanh nghiệp lựa chọn phương án khôi phục sản xuất phù hợp gắn với đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
Theo Phó Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thanh Liêm, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có những cách làm hay, nhanh chóng khôi phục sản xuất – kinh doanh vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch: Thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh tại nơi cư trú của công nhân; chia nhỏ lao động tại các phân xưởng, nhà máy để quản lý, sắp xếp thời gian ra/vào nhà máy, ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế tiếp xúc để tránh lây nhiễm, dễ truy vết khi phát hiện ca bệnh…