“Lỡ sai thì phải sửa”
Mới đây, TTCP có Kết luận số 1468/KL-TTCP ký ngày 4.9.2018 về quá trình khảo sát, thiết kế, thẩm định phê duyệt kế hoạch cũng như đầu tư xây dựng của dự án xe buýt nhanh BRT (Hà Nội) hợp phần 1 có nhiều sai phạm gây thất thoát ngân sách cần phải được làm rõ.
Tuyến BRT Kim Mã - Yên Nghĩa hoạt động từ 1/1/2017, tổng mức đầu tư 53,6 triệu USD (hơn 1.000 tỷ đồng); dài 14,77 km,
Giá mỗi chiếc xe buýt hơn 5 tỷ đồng.
Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị cho hay, 9 tháng đầu năm 2018, BRT đã đạt được 92.838 lượt xe- 3,72 triệu lượt khách. Trung bình 40,2 khách/mỗi lượt/tuyến trong khi công suất tiêu chuẩn là 90 khách/lượt. Tức là mới chỉ đáp ứng được chưa đầy 50% công suất.
Bên cạnh đó, TTCP đánh giá xe bus BRT được bố trí làn đường riêng chiếm 1/3 mặt cắt ngang của các trục đường hiện có nhưng tốc độ chưa đạt yêu cầu, trong khi hiện trạng lưu lượng giao thông trên tuyến rất lớn, nên thường xuyên gây ùn tắc trong giờ cao điểm.
Theo kết luận thanh tra, dù được đầu tư với số tiền rất lớn nhưng dự án chưa đạt được hiệu quả như mong đợi, chưa đạt mục tiêu đề ra và có nhiều vấn đề trong suốt quá trình khảo sát, đầu tư xây dựng dự án.
Tiến sĩ, chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy - người có 40 năm nghiên cứu về giao thông đô thị cho rằng, việc bus nhanh BRT vận hành không hiệu quả đã được đoán trước từ khi dự án này được thai nghén.
Theo đó, ông cho rằng với hạ tầng giao thông của Việt Nam, BRT không thể nào vận hành. Ở Đài Loan, Indonesia, giao thông của họ có từ 6 đến 8 làn xe nên họ có thể triển khai được bus BRT, còn đối với Việt Nam, chỉ dừng lại ở 2 -3 làn xe thì không thể nào làm được dự án BRT.
“Các chuyên gia đã cảnh báo rồi nhưng họ vẫn cứ làm”, ông Thủy nói.
Theo chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy, với công suất và hiệu quả như hiện nay, nếu còn tiếp tục cho BRT vận hành thì chúng ta sẽ còn phải bù lỗ nhiều. Bởi tiêu chí của BRT là 3-5 phút phải có 1 chuyến, 1 ngày phải chở được 30.000 đến 40.000 mới có hiệu quả. Nhưng hiện nay, theo con số của TP Hà Nội thì 1 ngày BRT chỉ chở được 7.000 người.
“Tôi khẳng định xe BRT đang chạy không có hiệu quả nên không thể tiếp tục duy trì làn riêng, cơ chế riêng cho BRT nữa."
Tuy nhiên, ông Thủy cũng nhận định định, chúng ta không thể xóa BRT đi, vì nó đã tiêu tốn nghìn tỷ của nhân dân. Chỉ nên thu bớt trạm, bỏ làn riêng của BRT và chuyển đổi để BRT vận hành như xe bus thường.
"Phải có ai đó chịu trách nhiệm"
Trước hàng loạt sai phạm của dự án BRT bị Thanh tra Chính phủ phát hiện, ông Thủy cho rằng, nhất thiết phải xử lý nghiêm để làm gương nhằm giảm bớt tiêu cực cũng như lợi ích nhóm của các dự án tương tự như vậy sau này.
Liên quan tới gói thầu cung cấp lắp đặt thiết bị, đoàn xe BRT (35 xe), TTCP xác định chủ đầu tư thực hiện một số thủ tục chưa tuân thủ đúng quy định.
Ngoài ra một trong 2 nhà thầu là Cty cổ phần Thiên Thành An được giải ngân 42,405 tỉ đồng mà không chứng minh được khối lượng công việc thực hiện.
Ngoài ra, chủ đầu tư đã bổ sung các thiết bị vào gói thầu CP08 có tổng giá trị là 17,687 tỉ đồng, không tổ chức đấu thầu...
Trước hết phải nói đến trách nhiệm của người đã đặt bút ký để dự án BRT này được triển khai, bất chấp nhiều ý kiến góp ý cũng như phản biện của các chuyên gia giao thông.
Các cá nhân, tổ chức chịu trách nhiệm liên đới khác sẽ được xem xét tiếp theo khi điều tra rõ ràng.
Từ những sai lầm của BRT thời gian qua, ông Thủy đề xuất, Nhà nước cần phải có những quy định rõ ràng, quy trúng, đúng trách nhiệm cho những người liên quan khi triển khai bất kỳ dự án nào. Điều này đảm bảo, những người thực hiện phải nâng cao trách nhiệm của bản thân mình, tránh tình trạng gây thất thoát tài sản của Nhà nước nhưng lại không thể chỉ ra được người “cầm đầu”.
"Ai đó phải chịu trách nhiệm. Và làm sai thì phải nhận sai, sửa sai. Hiệu quả kém không tương xứng với số tiền đầu tư đó là điều ai cũng nhận thấy. Vậy phải chăng họ đang “cố đấm ăn xôi” để chứng minh hiệu quả của dự án này?”, ông Thủy nói.