Cả người bán và người mua đều chật vật
Có thâm niên cả chục năm kinh doanh mặt hàng thịt gia súc, gia cầm cùng nhiều mặt hàng thực phẩm khác, nhưng vợ chồng chị Trần Thị Hồng và anh Nguyễn Văn Quang (Mê Linh - Hà Nội) đều đã phải chuyển nghề mới từ gần 1 tháng nay. Nguyên nhân bởi giá hàng nhập vào liên tục tăng cao, trong khi đầu ra tiêu thụ rất khó khăn nên vợ chồng anh liên tục thua lỗ.
“Giá xăng liên tục tăng cao, chi phí đi lại tăng, bên cạnh đó, chi phí nhập thực phẩm, rau xanh cũng bị đội lên do giá tại các chợ đầu mối cũng đã được điều chỉnh tăng khiến việc kinh doanh rất rủi ro, bấp bênh. Đi chợ hằng ngày, chỉ cần ế vài cân thịt, dăm bó rau là coi như đi làm không công. Tính toán kỹ càng mà đi chợ hầu như không có lãi nên chồng tôi xin đi làm công nhân, còn tôi xin làm đại lý thực phẩm chức năng” - chị Trần Thị Hồng chia sẻ.
Trao đổi với PV Lao Động, ông Trần Văn Đê (kinh doanh thực phẩm tại Khu Tập thể Nam Đồng (Đống Đa, Hà Nội) cũng băn khoăn: Chi phí đi lại đã tăng cao, hàng bán ra lại chậm, nên chúng tôi phải tính toán đủ hướng mới có thể duy trì được chút lãi.
“Riêng khoản đi lại, trước đây chi phí xăng xe đi lại mỗi ngày chỉ hết hơn 100 nghìn đồng, thì nay phải chi đến 170 nghìn đồng. Kinh doanh hàng hóa cũng ngày một khó hơn do giá cao, người dân thắt chặt chi tiêu nên lượng bán ra rất chậm, ngày nào lượng hàng tồn nhiều coi như mất lãi, thậm chí còn lỗ” - ông Đê nói.
Trong bối cảnh xăng dầu liên tục tăng giá như hiện nay, nhiều người rất lo lắng tình trạng "té nước ăn theo giá xăng". Bởi không chỉ giá thực phẩm, mà các vật dụng tiêu dùng khác đều đang tăng giá. Để chống chọi với cơn bão giá thực phẩm, người dân đang có xu hướng thắt chặt chi tiêu, cắt giảm những khoản tiêu dùng "chưa cần gấp", chỉ chi tiêu cho nhóm hàng thực phẩm, hàng hóa thiết yếu và số lượng mua cũng bị cắt giảm mạnh.
“Tôi áp dụng chế độ tiết kiệm: Nếu như trước đây gia đình tôi phải mua 6-7 lạng thịt, hết khoảng 70.000-80.000 đồng, thì nay tôi không mua theo số lượng đó, mà “khoán” chi tiêu hằng ngày. Tức là mỗi ngày chỉ được tiêu 80.000 đồng tiền thịt, nếu rẻ thì ăn nhiều, đắt thì ăn ít. Các món chi tiêu khác cũng được áp dụng như thế” - bà Đặng Mai Linh (TP.Vũng Tàu), chia sẻ.
Tăng giá thực phẩm có thể đẩy chỉ số tiêu dùng tăng cao
Trước tình trạng giá hàng hóa liên tục tăng như hiện nay, các chuyên gia kinh tế nhận định lạm phát có thể tăng cao trong thời gian tới, đặc biệt là giai đoạn cuối năm. Mặc dù trước mắt, lạm phát trong 4 tháng đầu năm 2022 được kiểm soát, nhưng theo ông Trần Hoàng Ngân - Đại biểu Quốc hội TPHCM, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 4 tháng đầu năm chưa nói lên “sức nóng” của giá cả.
“Tình hình sẽ thay đổi nhanh trong những tuần tới khi giá xăng, dầu đã lan vào giỏ thực phẩm, mâm cơm của người dân và chưa dừng ở đó” - ông Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.
TS Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - cũng nhận định: Lạm phát 4 tháng đầu năm trong tầm kiểm soát là do CPI nhóm hàng thực phẩm giảm 0,94%. Tuy nhiên, áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm 2022 và năm 2023 là rất lớn, bởi ngoài ảnh hưởng của giá xăng dầu tăng cao, thì nhóm hàng thực phẩm bị tăng theo giá xăng dầu và nguyên liệu đầu vào cũng gây áp lực lên lạm phát.
“Đối với nước ta, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, quan trọng, chiếm 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn bộ nền kinh tế, chiếm 1,5% trong tổng chi tiêu dùng của hộ gia đình, sử dụng tại hầu hết các ngành, lĩnh vực nên biến động giá xăng dầu sẽ tác động mạnh đến giá sản xuất và giá tiêu dùng. Khi giá xăng dầu trong nước tăng 10% sẽ làm cho lạm phát tăng 0,36%. Đặc biệt, xăng dầu sản xuất trong nước chỉ chiếm từ 70-75% tổng nguồn cung xăng dầu cả nước; sản xuất xăng dầu trong nước phụ thuộc khá lớn vào nhập khẩu dầu thô, biến động giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào biến động giá xăng dầu thế giới” - TS Nguyễn Bích Lâm cảnh báo.
Không bao giờ thiếu nguồn cung xăng dầu
Trao đổi với Lao Động bên hành lang Quốc hội, ông Nguyễn Hồng Diên - Bộ trưởng Bộ Công Thương - khẳng định: “Không bao giờ thiếu nguồn cung xăng dầu”. Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, giá xăng dầu trong nước liên thông với giá xăng dầu thế giới, cho nên phải theo dõi sát diễn biến của giá xăng dầu thế giới.
Thuế Bảo vệ môi trường không thể giảm được nữa
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Thừa Thiên - Huế nhận định - tăng giá xăng dầu sẽ tác động mạnh đến nền kinh tế của Việt Nam. Do vậy, cần đặc biệt lưu tâm để có những giải pháp hữu hiệu giảm thiểu những tác động tiêu cực. Theo Đại biểu Nguyễn Thị Sửu, việc điều hành giá xăng dầu, quan trọng nhất là chi phí đầu vào và vấn đề kiểm soát lạm phát. Nhóm PV
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính): Để kìm hãm đà tăng rất mạnh của giá xăng dầu, đảm bảo chương trình phục hồi kinh tế, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng, cần xem xét lại việc sử dụng Quỹ Bình ổn xăng dầu sao cho phù hợp, linh hoạt và đảm bảo tính hiệu quả, bền vững. Đặc biệt, với diễn biến giá khó đoán như hiện nay, nhà điều hành nên trích lập Quỹ Bình ổn xăng dầu ở mức độ vừa phải; ưu tiên chi sử dụng.
TS Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê: Căn cứ vào các yếu tố tác động từ lạm phát chuỗi cung ứng; thiếu hụt nguồn cung; tổng cầu tăng đột biến; thiếu hụt lao động và dự kiến tăng lương tối thiểu vùng. Dự báo lạm phát của Việt Nam năm 2022 nằm trong khoảng 4-4,5%. V.L
Người dân nói gì?
* Bà Nguyễn Thị Bảy - kinh doanh thịt lợn tại chợ Đồng Xa (Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) cũng chia sẻ về những khó khăn của tiểu thương tại chợ trong bối cảnh giá xăng dầu “phi mã” như hiện nay.
“Trước đây mỗi sáng tôi bán bay 1 con lợn, thì nay nửa con kéo lê thê sang cả giờ chiều. Lợi nhuận cũng không còn bao nhiêu khi chi phí đi lại, ăn uống, mua nguyên liệu… đều tăng ít nhất 30%” - bà Bảy tâm sự.
* Kinh doanh mặt hàng ăn, ông Đinh Hồng Lâm (86 Lê Lợi, TP.Vinh, Nghệ An) cũng vừa phải tăng giá thêm 5.000 đồng/suất vì giá nguyên liệu đầu vào đều tăng theo giá xăng, không tăng giá bán ra thì lỗ.
“Xăng dầu tăng giá luôn "kéo" theo các ngành hàng, dịch vụ khác tăng giá như giá cước vận tải, xe taxi, thực phẩm, rau củ quả… nếu không tăng thì thua lỗ, mà tăng giá thì mất khách” - ông Lâm chia sẻ.
* Chuyên kinh doanh online, chị Hoàng Linh (Pháo Đài Láng, Đống Đa, Hà Nội) cũng lâm vào tình trạng khó khăn từ hơn 1 tháng nay vì chi phí vận chuyển quá đắt đỏ.
"Giá thuê grab chuyển hàng đã tăng thêm 40%, có những chặng đường trước đây ship hàng trong giờ cao điểm chỉ mất 19.000 đồng, giờ thấp điểm chỉ 16.000 đồng thì nay tăng “cao ngất” lên 37.000-40.000 đồng, có nhiều chuyến hàng tính ra không còn lãi” - chị Hoàng Linh cho hay.
Không riêng gì người bán hàng khó khăn trong kinh doanh, người tiêu dùng cũng rất vất vả co kéo chi tiêu trong tháng để không bị thiếu trước hụt sau.
* Bà Hà Thị Thúy (Cầu Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: Bà và 2 con làm nghề tự do, không có thu nhập cố định nên chi tiêu rất chật vật. Với tổng thu nhập của 3 mẹ con là 15-16 triệu đồng/tháng, cả 5 miệng ăn trong đó có 2 đứa trẻ tuổi bỉm sữa đều nhìn vào khoản tiền này, nên chi tiêu khá chật vật.
“Trước đây mỗi ngày chi phí ăn uống của cả gia đình 5 người hết 150.000 đồng, thì nay “đội” lên 200.000 đồng. Chưa kể, tiền sữa, bỉm, hoa quả, thuốc men… đều tăng; đặc biệt chi phí đi lại tăng rất cao đã khiến gia đình chưa hết tháng đã hết tiền. Chúng tôi phải nhờ gia đình ở quê gửi gạo lên hỗ trợ và phải tính toán rất căn cơ mới đủ tiêu” - bà Thúy cho biết.