Tăng điểm trầy trật
Với 5 phiên tăng điểm liên tiếp trong tuần, chỉ số chứng khoán VN-Index mang về gần 38 điểm, tương ứng mức tăng 2,75%. Cũng chính vì tăng điểm trong trầy trật, nên mức tăng được xem là không quá cao.
Sự trầy trật còn thể hiện rõ trong diễn biến tăng của từng phiên. Ngoại trừ phiên giao dịch ngày 5.10, các phiên còn lại VN-Index tăng trong sự giằng co khá dữ dội. Thậm chí có lúc, VN-Index tăng đầu phiên sáng và sau đó đà tăng giảm đi rồi chuyển sang sắc đỏ. Chỉ số chỉ may mắn ở những phút cuối phiên giữ lại được sắc xanh tăng điểm.
Với 2 phiên ngày 6 và 7.10, không ít ý kiến phân tích còn cho rằng thị trường tăng trong nghi ngờ vì tâm lý nhà đầu tư cho thấy sự thận trọng khi thanh khoản giảm sút.
Cùng với đó, sự giằng co, rung lắc trở nên đặc trưng của diễn biến thị trường trong tuần giao dịch vừa kết thúc. Thế nhưng đây lại không phải là lần đầu, tình thế tăng trong nghi ngờ lại đưa điểm số VN-Index vượt qua những ngưỡng kháng cự quan trọng.
Trong đó, vùng 1.360-1.365 điểm được xem là “khó nhằn” nhất vì chính tại đây, chỉ số đã nhiều lần thử thách và không vượt qua được trong vòng khoảng 2 tháng qua. Thậm chí, vùng cản này còn gây phản lực đẩy chỉ số vào các nhịp điều chỉnh.
Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index trở lại vùng điểm của trung tuần tháng 8 (từ 16-19.8). Khi đó, VN-Index dao động trong vùng 1.370-1.375 điểm.
Cửa sáng hé mở
Trong các phiên vừa qua, thị trường tăng điểm nhưng cả bên bán và bên mua đều thận trọng, ít có hành động mua bằng mọi giá hoặc bán bằng mọi giá. Hay chính xác hơn, ít xảy ra hành động mua đuổi giá cao và bán giá quá thấp. Nguyên nhân chủ yếu do sự thận trọng quan sát của nhiều nhà đầu tư còn đứng bên ngoài.
Thêm nữa, sự tăng giá của cổ phiếu trên thị trường mới chỉ luân phiên ở 1, 2 nhóm, còn bị phân hóa mạnh chứ chưa lan tỏa đều. Đặc biệt, nhóm cổ phiếu tài chính gồm ngân hàng và chứng khoán chưa có những phiên thực sự bùng nổ mạnh mẽ tạo xung lực thúc đẩy thị trường tăng mạnh.
Lực cản chủ yếu đến từ nhóm cổ phiếu ngân hàng, thời gian qua đã giảm giá khá mạnh từ 10-20%. Với dự báo kết quả kinh doanh quý 3/2021 không mấy lạc quan so với quý 2, có thể thị trường sẽ không “nhờ cậy” được gì nhiều từ nhóm cổ phiếu này.
Vả lại, một khi nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng giá mạnh thì lực xả hàng cũng kéo theo vì còn một lượng lớn cổ phiếu nhà đầu tư đã mua giá cao trước đây đang bị kẹp lại.
Tuy nhiên dù muốn hay không, mỗi một kỳ báo cáo kết quả kinh doanh cũng sẽ là yếu tố tạo động lực tăng giá cho không ít cổ phiếu. Cùng với đó, kết thúc phiên giao dịch ngày 8.10 VN-Index đã bứt khỏi hẳn vùng cản “khó nhằn” 1.360-1.365 điểm, và đây có thể là tiền đề để vươn tới các mốc cao hơn như 1.380 điểm, 1.400 điểm…
Cửa sáng đã hé mở nhưng theo Công ty chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam, trong nhịp tăng điểm đang diễn ra có thể khó tránh được những phiên điều chỉnh. Và đó cũng chính là cơ hội để cơ cấu lại danh mục, mua vào những cổ phiếu giá hấp dẫn và có cơ hội tăng trưởng trong quý 4/2021 và năm 2022.