Tranh chấp khó chịu bên bán - bên mua
Đây là diễn biến chính trong tuần giao dịch vừa kết thúc. Ngoại trừ phiên giao dịch đầu tuần ngày 11.10 VN-Index tăng mạnh hơn 21 điểm tương ứng 1,56%, các phiên còn lại dường như rung lắc, giằng co trong diễn biến đi ngang.
Ngay cả phiên tăng mạnh ngày 11.10, lực mua cũng không quá mạnh khiến thanh khoản trên sàn HoSE dù tăng nhưng dừng ở mức trên 22.700 tỉ đồng, vẫn chưa thực sự bùng nổ. Điều này cho thấy, chỉ số tăng điểm khi bên bán chỉ muốn bán giá cao song bên mua cũng thận trọng vì niềm tin vào đà tăng của thị trường chưa quá lớn để mạnh tay xuống tiền.
Điều đó đã nhanh chóng biến thành hành động cụ thể trong 4 phiên còn lại trong tuần, thanh khoản và điểm số đều không có gì đột biến, sự bứt phá không diễn ra cả về điểm số và thanh khoản. Ngay cả một diễn biến giảm điểm sâu cũng bị ngăn chặn cho thấy, tình thế “dền dứ” chờ đợi điểm kích hoạt bùng nổ, song thời điểm đó lại chưa thể đến trong tuần.
Cả tuần giao dịch chỉ số VN-Index chỉ tăng gần 20 điểm, tương ứng mức tăng 1,45%. Tình thế giao dịch tranh chấp “nửa vời” như hiện tại khiến không ít nhà đầu tư ức chế. Dù đã hạn chế mua vào thêm, nhưng việc bán ra lợi nhuận có được từ lướt sóng cũng chỉ bù qua xớt lại cho phí và thuế.
Hệ quả là, nhà đầu tư muốn chờ cơ hội thì phải gồng lãi vay margin. Nếu thiếu kiên nhẫn nhà đầu tư rất dễ hối tiếc khi nhịp tăng trở lại nhưng đã lỡ xả hàng trước đó.
Điểm rơi kết quả kinh doanh quý 3 trong tuần tới
Dù gì thì thị trường chứng khoán cũng không thể tiếp tục xu hướng hiện tại trong tuần tới khi kỳ báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 đã điểm, cùng với đó ngày đáo hạn phái sinh cũng đến vào tuần tới, có thể sẽ tác động đến diễn biến trên thị trường.
Ngay tại thời điểm hiện tại, kết quả kinh doanh quý 3 của không ít doanh nghiệp trong đó có những kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt nhưng mã cổ phiếu của những doanh nghiệp này vẫn chưa chịu “động đậy”.
Đây là tình trạng thường thấy trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư không nên vì thế mà buông bỏ quá sớm mục tiêu, kỳ vọng lợi nhuận trên những mã cổ phiếu có kết quả kinh doanh dự báo tốt đang nắm giữ. Bởi một khi những mã cổ phiếu có kết quả kinh doanh quý 3 tốt đã “chạy”, sự đu theo e rằng không nhiều thì ít đã muộn, khiến kết quả lợi nhuận sẽ hạn chế, thậm chí còn gặp rủi ro.
Tuần giao dịch vừa kết thúc, sàn HoSE có thanh khoản bình quân phiên đạt hơn 21.595 tỉ đồng, tăng hơn tuần trước 8,5%. Cho thấy dòng tiền đã “động đậy” dù chưa mạnh, nhưng cũng hé lộ tín hiệu thị trường đang dần hội tụ đủ xung lực để “chạy” mạnh và dài hơi hơn.
Nhìn “đội hình” điểm số VN-Index 5 phiên trong tuần giao dịch vừa kết thúc (dao động trong khoảng 1.391-1.395 điểm) càng thấy cơ hội để chỉ số vượt đỉnh 1.400 điểm chỉ đúng một phiên tăng với mức trung bình. Thị trường đang như chiếc lò xo bị nén lại, chỉ cần một lực kích hoạt vừa đủ là có thể bật mạnh dậy khỏi vùng đi ngang.