Ghi nhận ngày 9.10, tại Hà Nội và các tỉnh như Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Bắc Giang, Nam Định... giá lợn hơi giảm nhẹ, nhưng vẫn dao động ở mức 50.000 - 52.000 đồng/kg; lợn ngon có giá cao hơn.
Còn tại các tỉnh thuộc Bắc Trung bộ là 52.000 - 54.000 đồng/kg. Tại các tỉnh ở Nam Trung bộ, ngoài Quảng Nam có giá 51.000 đồng/kg, các tỉnh còn lại từ Quảng Ngãi tới Bình Thuận báo giá dưới 50.000 đồng.
Điều đáng nói là tại khu vực phía Nam, trước đây giá lợn hơi thấp hơn ở phía Bắc thì nay “vụt tăng” và đang ở mức giá dao động trong khoảng 50.000 - 56.000 đồng/kg.
Câu hỏi đặt ra là, tại sao giá lợn hơi tăng cao đột biến, trong khi nguồn cung không thiếu? Tại cuộc gặp mặt, đại diện của 12 tập đoàn, doanh nghiệp chăn nuôi lớn nhất Việt Nam như CP, Japfa, Mavin, Dabaco… đều khẳng định: Nguồn cung đủ phục vụ người tiêu dùng.
Tuy nhiên, giá trên thị trường không có xu hướng giảm. Đặc biệt là các lò giết mổ nhỏ lẻ giá thịt lợn còn cao hơn giá mà các tập đoàn lớn bán ra.
Căn cứ giá thành chăn nuôi lợn hơi hiện nay khoảng 35.000 đồng/kg, ông Nguyễn Xuân Dương – Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi khẳng định: Mức lãi mà các DN đang hưởng hiện nay quá lớn – mỗi kg lợn hơi doanh nghiệp được hưởng lãi 20.000 đồng/kg – mức lãi gần như cao nhất từ trước đến nay!
Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, đây là “mức giá hạnh phúc”, nhưng tiềm ẩn nhiều bất trắc, rủi ro, thậm chí đây chỉ là “lãi giả”!
Giải thích về vấn đề “lãi giả”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Giá thành sản xuất khoảng 35000 -36.000 đồng/kg, nhưng bán với giá 52.000-56.000 đồng, trước mắt là có lãi, nhưng trước mức giá chênh lệch, thịt lợn ngoại sẽ ồ ạt nhập vào Việt Nam; rồi các hộ, các trang trại chăn nuôi ồ ạt mở đàn, thịt lợn lại rơi vào cảnh dư thừa, rớt giá.
“Như vậy là lãi trước, lỗ sau, thực chất là lãi giả. Nếu không kịp thời xử lý ngành chăn nuôi lợn lại một lần nữa rơi vào khủng hoảng thừa. Trong thời đại hội nhập, chúng ta xuất khẩu ra thế giới 40 tỉ USD/năm giá trị nông, lâm, thủy sản, thì không có lý gì (và không thể-PV) đóng cửa từ chối không nhập hàng hóa nước ngoài”.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT phân tích: “Sau 3 quý vừa rồi ngành chăn nuôi thắng lợi lớn, lợi nhuận rất cao. Thế nhưng, Bộ NNPTNT lại phải mời DN đến bàn giải pháp bởi nếu không bàn ngay thì "cái quá được" sẽ sang trạng thái khác, đó là không bền vững, không chỉ sẽ ảnh hưởng đến người chăn nuôi mà còn chính là các DN, mất thị trường do sản phẩm bên ngoài tràn vào, dịch bệnh bùng phát nhất là dịch tả lợn hơi châu Phi đang xảy ra ở 20 quốc gia trên thế giới, sản phẩm lợn hơi nhập lậu, phi chính thức không giữ được thị trường, mất thị trường”.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các DN trong tháng 10 này phải giảm giá lợn hơi xuống dưới mức giá 50 nghìn đồng/kg. Hầu hết các ý kiến đều đồng tình cần phải bình ổn giá trên cơ sở các DN có lợi nhuận và người tiêu dùng mua hàng giá hợp lý.