Theo đó, ngày 1.8, phí đỗ xe ôtô tạm thời dưới lòng đường ở TPHCM chính thức áp dụng mức thu phí mới theo loại xe, khu vực và được tính luỹ tiến theo giờ (ví dụ 1 xe ôtô đỗ trong 8 giờ có thể bị thu đến 250.000 đồng).
Phí cao, tài xế “bỏ chạy”
Trước đây, các tuyến đường tại khu vực trung tâm TPHCM cho xe ôtô đỗ tạm thời dưới lòng đường có thu phí như: Lê Lai, Phan Bội Chậu, Phan Chu Trinh đều ken cứng xe vì mức phí quá bèo, chỉ 5.000 đồng/lượt (có thể đậu suốt cả ngày). Vì vậy, cánh tài xế làm việc văn phòng, người lái xe cho các công ty thường “ngâm” xe cả ngày. Trong khi nhiều người có nhu cầu gửi xe với thời gian ngắn lại không có chỗ để đỗ.
Tuy nhiên, ngày 1.8, TPHCM tăng phí đỗ xe theo giờ thì các tuyến đường trên lại vắng hoe vì tài xế không chịu được mức phí cao. Trên đường Lê Lai (quận 1), ngày thường đoạn đường này có hơn 80 chỗ đỗ xe luôn luôn chật kín phương tiện nhưng ngày 1.8 chỉ có hơn 10 xe ôtô tới đậu. Nhiều tài xế lái ôtô vào bãi đỗ rồi lái đi ngay khi nghe mức phí thu tăng theo giờ.
Anh Lê Công Thanh (quận 3) cho biết, do lái xe cho công ty nên hằng ngày anh thường đỗ xe ôtô trên đường Lê Lai từ 8h-20h chỉ tốn 20.000 đồng, trong đó phí 5.000 đồng cộng thêm tiền bo cho nhân viên thu phí 15.000 đồng. Nhưng từ 1.8, phí đỗ xe tăng cao nên anh Thanh tính phương án đưa xe đi chỗ khác gửi.
“Trong các toà nhà cao ốc, đậu xe cả tháng cũng chỉ mất từ 3-4 triệu đồng, trong khi ở đây nếu đậu 8 tiếng/ngày mất 250.000 đồng. Đáng nói tiền cao mà lại không ai trông xe cho mình” - anh Thanh nói.
Theo tiết lộ của một nam nhân viên thu phí trên đường Lê Lai, trước đây thường được cánh tài xe bo thêm từ 10.000-15.000 đồng/lượt đỗ xe. Nay thành phố áp dụng thu phí bằng công nghệ và thanh toán qua điện thoại nên nhân viên thu phí như anh…“đói”.
“Trước tôi còn trông bảo quan xe chứ nay thì mặc kệ. Bởi lương chúng tôi chỉ có 2,5 triệu/tháng, không đủ tiền ăn cơm thì hơi đâu lo chuyện thiên hạ” - người này nói.
Bên cạnh mức phí đỗ xe tăng cao khiến tài xế “bỏ chạy”, việc áp dụng thu phí bằng ứng dụng My Parking còn chưa được phổ cập khiến nhiều tài xế không biết nên họ không thao tác thực hiện. Hơn nữa, trả phí qua ứng dụng My Parking thì không lấy được hóa đơn, không thể thanh toán chi phí với công ty nên nhiều tài xế chọn giải pháp tìm chỗ đậu xe nơi khác.
Hết “mượn” đường đậu ôtô
Đại diện Sở GTVT TPHCM thừa nhận ngày đầu triển khai thu phí theo phương thức và mức phí mới do phải giải thích, hướng dẫn cũng như hỗ trợ thu hộ phí nên gặp một số khó khăn nhất định. Trong đó, do đang trong quá trình làm việc với các nhà mạng khác nên thời gian đầu việc thanh toán phí đỗ xe bằng tin nhắn SMS qua đầu số 1008 chỉ được thực hiện thông qua thuê bao của Viettel, chưa thanh toán được đối với các thuê bao khác (như Vinafone, Mobifone…). Trước mắt, trong một số trường hợp cần thiết, nhân viên tại bãi đỗ sẽ hỗ trợ đăng ký đặt chỗ và thu hộ phí đỗ xe thông qua thiết bị cầm tay.
Về mặt tích cực khi triển khai mức phí mới, đại diện Sở GTVT đánh giá đã giảm bớt tình trạng tạm “mượn” đường đậu ôtô; thay vào đó, nhiều tài xế đã đậu tại các bãi đỗ, hầm của cao ốc văn phòng. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng một số tài xế cho xe chạy vòng vòng hoặc bất chấp đậu xe trên một số tuyến đường cấm đậu xe. Vì vậy, Sở GTVT sẽ chỉ đạo Thanh tra phối hợp CSGT thường xuyên tuần tra, xử phạt các trường hợp vi phạm.
Nhiều tài xế cũng tỏ ra bất bình vì ứng dụng đỗ xe chỉ áp dụng tính phí theo giờ nên nếu đỗ xe quá thời gian sẽ được mặc định tính phí thêm giờ mới. “Nếu như đỗ xe 1 giờ 10 phút thì sẽ thông báo đến điện thoại cho tài xế biết đã quá giờ và sẽ thu tiền ở mức phí của 2 giờ. Trong khi các bãi giữ xe ở sân bay hay các tòa nhà cao ốc, nếu quá 1 giờ người ta chỉ tính tiền 1,5 giờ” - anh Lê Ninh (Q.3) nói. M.Q