Tiếp tục kỳ họp thứ 2, HĐND TP.Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026, sau khi đại diện các ban HĐND thành phố trình bày báo cáo, nhiều đại biểu HĐND TP.Hà Nội đã có những ý kiến nổi bật về các vấn đề trọng tâm.
Cần có chính sách "cấp cứu" và chính sách lâu dài
Theo đó, đại biểu Nguyễn Thị Lan Hương (tổ Quốc Oai) cho biết, công tác an sinh xã hội thời gian qua được thành phố đảm bảo tốt. Tuy nhiên, trong nhóm đối tượng của Nghị quyết 68/NQ-CP, có nhiều đối tượng chưa tiếp cận được.
"Đối với những nhóm lao động tự do, trong thời gian ngắn, Hà Nội đã rà soát và hỗ trợ được số lượng lớn. Tuy nhiên, có một nhóm cần hỗ trợ nữa, đó là nhóm chủ sử dụng lao động, trong quá trình triển khai thực hiện mong thành phố lưu ý, triển khai gói hỗ trợ cho đối tượng này", đại biểu Nguyễn Thị Lan Hương kiến nghị.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Lan Hương, trong công tác phòng, chống dịch, phải xác định sống chung, lâu dài. "Nếu có gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, có thể căn cứ vào số thuế của doanh nghiệp đã nộp ở các năm trước đó để làm căn cứ đề xuất hỗ trợ.
Chúng ta phải xác định có những chính sách trước mắt để “cấp cứu”, và cũng cần có những chính sách lâu dài, căn cơ. Phải phân loại, rà soát tình trạng doanh nghiệp ở Thủ đô, đánh giá có bao nhiêu doanh nghiệp đang tồn tại, hoạt động, để có những đề xuất lên Chính phủ", đại biểu Nguyễn Thị Lan Hương nói.
Giãn và giảm cho doanh nghiệp
Đáng chú ý, tại buổi thảo luận, đại biểu Phạm Đình Đoàn (đại diện tổ Mê Linh) chia sẻ, nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài thì doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn thực sự nghiêm trọng, nhưng thật đáng mừng thành phố đã hoàn thành giãn cách xã hội.
Theo ông Đoàn, thời gian tới, nhiệm vụ lớn của thành phố chính là khôi phục kinh tế, cũng rất quan trọng như công tác phòng chống dịch vừa qua.
Ông Phạm Đình Đoàn nêu 3 đề xuất đối với Hà Nội. Thứ nhất, việc đảm bảo cho sản xuất kinh doanh và đầu tư phụ thuộc rất nhiều vào công tác chống dịch của thành phố.
Nếu tính chi tiết các tổn thất của doanh nghiệp thời gian qua khoanh vùng rộng do dịch bệnh là rất lớn. Do đó, tới đây nên khoanh vùng hạn chế, triển khai tối đa áp dụng CNTT vào việc chống dịch, lưu ý lưu thông hàng hóa đảm bảo nhu cầu tối thiểu của người dân trong bất kỳ tình huống nào.
Thứ hai, về nhóm giải pháp thiết kế các chính sách hiệu quả cho doanh nghiệp, ông Đoàn đề nghị thành phố đưa ra khái niệm “những doanh nghiệp tốt” (đóng thuế đầy đủ, thực hiện tốt chính sách với người lao động, bảo vệ môi trường, không làm hàng giả hàng nhái…) để đưa ra chính sách riêng.
Đồng thời, thành phố cần có các cuộc đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp; Ban xây dựng chính sách cho doanh nghiệp cần có nhiều thành phần tinh hoa của các hiệp hội và chuyên gia doanh nghiệp.
Thứ ba, về các nhóm giải pháp liên quan chính sách thuế, phí và lãi suất ngân hàng, ông Đoàn cho biết, vừa qua, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp chính là mất cân đối về dòng tiền và không có lợi nhuận.
Riêng chi phí phòng dịch tại từng doanh nghiệp thời gian qua đã chiếm tỷ lệ quá lớn, trong khi không làm ra lợi nhuận mà vẫn phải trả lương cho người lao động.
Từ đó, đề nghị Chính phủ và thành phố thực hiện biện pháp “2 chữ G” cho doanh nghiệp gồm "giãn và giảm". Rõ ràng, doanh nghiệp cần được hỗ trợ đúng thời điểm, như thành phố có thể cân nhắc thuế đất năm 2021 giảm 30-50% cho doanh nghiệp.
Đại biểu Phạm Đình Đoàn khẳng định, Thủ đô với 8 triệu dân và gần 300.000 doanh nghiệp là kho chất xám rất lớn. Nếu thành phố tiếp tục tạo điều kiện để người dân và cộng đồng doanh nghiệp cùng đóng góp, hiến kế, chắc chắn Thủ đô sẽ vượt qua nhiều khó khăn không chỉ là dịch bệnh, để xây dựng thành phố văn minh, phát triển.