Trả lời phỏng vấn Lao Động, ông Trần Công Tuyên - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý đê điều, Tổng cục Phòng, chống thiên tai, nhấn mạnh:
Với tổng chiều dài trên 9.000km, trong nhiều năm qua hệ thống đê điều đã hỗ trợ đắc lực trong việc ngăn ngừa lũ lụt, phòng, chống thiên tai.
Khu vực Bắc Bộ có hệ thống đê quy mô lớn, với các tuyến đê sông, đê cửa sông chạy dọc theo các tuyến sông thuộc hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, sông Mã, sông Cả, có nhiệm vụ chống lũ trên địa bàn rộng lớn, dân số tập trung cao, có nhiều công trình hạ tầng đóng vai trò kinh tế, chính trị quan trọng.
Các tuyến đê biển đã cơ bản được nâng cấp theo chương trình nâng cấp đê biển từ Quảng Ninh đến Quảng Nam, tuy nhiên, chỉ mới đảm bảo chống với bão cấp 9-10, triều trung bình 5%.
Khu vực Trung và Nam Trung Bộ (từ Quảng Bình đến Bình Thuận), hệ thống đê chủ yếu được thiết kế để chống lũ sớm, cao trình đê thấp, lũ chính vụ có thể tràn qua. Các tuyến đê chủ yếu ở dạng kè, chống sạt lở, kết hợp chống triều.
Ở khu vực Nam Bộ, hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang đang được đầu tư củng cố, nâng cấp với mức thiết kế chống bão cấp 9, triều trung bình 5%.
Thưa ông, biến đổi khí hậu với nhiều hình thái thiên tai, trong khi hệ thống đê điều xây dựng lâu đời quá lạc hậu, có thể gây nên các sự cố nguy hiểm bất cứ lúc nào. Vậy tại sao việc gia cố, tu bổ đê còn nhiều hạn chế?
- Do được hình thành từ rất lâu đời, hệ thống đê đã lạc hậu nên đê điều nhanh xuống cấp trước tác động của mưa lũ và dòng chảy. Hiện nay, mặc dù Nhà nước quan tâm đầu tư Ngân sách, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu tu bổ đê điều hàng năm bởi chiều dài đê kè quá lớn. Từ năm 2015 trở về trước, kinh phí tu bổ đê điều hàng năm được cấp qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) khoảng 250 tỉ đồng.
Thế nhưng giai đoạn 2016-2020 tổng kinh phí được cấp chỉ còn 400 tỉ đồng cho 5 năm. Kinh phí không đủ đáp ứng nhu cầu, dẫn đến rất nhiều bất cập.
Xin ông cho biết cụ thể về những điểm đê xung yếu có thể gây nguy hiểm?
- Hệ thống đê hiện nay đang tồn tại chưa đảm bảo được yêu cầu chống lũ, khi có đến 230 vị trí trọng điểm xung yếu; trên 398km đê còn thiếu cao trình so với cao trình thiết kế; 683km đê có mặt đê nhỏ hẹp; trên 622km đê chưa được trồng tre chắn song; gần 85km đê thường xuyên xuất hiện mạch đùn, mạch sủi cần được xử lý và theo dõi; trên 208km đê thường xuất hiện thẩm lậu, rò rỉ, sạt trượt; trên 255km đê cần được xử lý tổ mối; 138km đê có ao đầm ven chân đê cần phải xử lý…
Thực tế là khi có lũ lớn, đã xảy ra 500 sự cố đê điều, nguy hiểm nhất là các sự cố về cống dưới đê. Đặc biệt, đã gây ra sự cố tại các cống: Bích Động (Hải Phòng), Ngọc Quang (Thanh Hóa), Long Phương (Bắc Ninh); trong đó, cống Quang Hoa (Thanh Hóa) đã xảy ra sự cố nghiêm trọng suýt gây vỡ đê; cống Tắc Giang (Hà Nam) khi hồ Hòa Bình xả lũ đáy đê bị xói vòm gây sụp nhà điều hành trên đê…
Thưa ông, việc ngăn chặn vi phạm đê điều còn rất hạn chế tại nhiều địa phương. Xin ông cho biết những giải pháp trong thời gian tới.
- Tình hình vi phạm pháp luật đê điều diễn biến rất phức tạp, việc ngăn chặn, xử lý vi phạm của các địa phương còn nhiều hạn chế. Từ năm 2011-2019 đã xảy ra 10.552 vụ vi phạm, nhưng chỉ xử lý được 3.221 vụ vi phạm tỉ lệ chỉ khoảng 31%, còn tồn đọng 7.331 vụ. Đáng tiếc là Hà Nội là một trong những địa phương có nhiều vi phạm, một phần do số lượng đê điều lớn, tập trung dân cư đông, lại là trung tâm kinh tế-xã hội của cả nước nên nhu cầu về đất đai, vật liệu xây dựng cao, hệ thống giao thông quá tải…
Để ngăn chặn, giảm bớt số vụ vi phạm, Bộ NNPTNT yêu cầu hàng tháng các địa phương kiểm tra, rà soát thống kê và báo cáo về các vụ vi phạm. Bộ cũng có văn bản yêu cầu Chủ tịch tỉnh kiểm tra, xử lý và báo cáo kết quả thường xuyên.
Trong thời gian tới, Bộ NNPTNT sẽ đôn đốc, hướng dẫn các địa phương xây dựng phương án bảo vệ các trọng điểm xung yếu; diễn tập hộ đê, đảm bảo an toàn các tuyến đê theo phương châm “4 tại chỗ”; khẩn trương hoàn thành xử lý cấp bách công trình đê điều, đồng thời tăng cường tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ đê điều.
- Xin cảm ơn ông!