Sau những lùm xùm về việc một doanh nhân 9x lập “siêu công ty” có vốn 500 ngàn tỉ đồng tại TP.HCM, mới đây, dư luận lại ngỡ ngàng trước thông tin về Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Toàn Cầu có vốn đăng ký lên tới gần 128 nghìn tỉ đồng (5,5 tỉ USD), tương đương với các tập đoàn hàng đầu Việt Nam như Vingroup hay EVN.
Đáng chú ý, trong cơ cấu cổ đông của Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Toàn Cầu có một Việt kiều là David Aristole Phan (quốc tịch Mỹ) góp tới 51.161 tỉ đồng (tương đương 2,2 tỉ USD), chiếm 40% vốn điều lệ.
Càng bất ngờ hơn khi trụ sở của Công ty tỉ đô được ghi trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tại 143 Trích Sài, Tây Hồ, Hà Nội… chỉ là một bãi rửa xe.
Bên cạnh đó, theo báo cáo tài chính của Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Toàn Cầu , đến cuối năm 2020, tổng tài sản của công ty tương đương mức vốn chủ sở hữu và không thay đổi gì so với thời điểm góp vốn. Điều này có nghĩa công ty gần như không có hoạt động sau một năm rưỡi tăng vốn khủng (từ tháng 6/2019).
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Văn Tuấn để làm rõ những chi tiết bất thường về doanh nghiệp này.
- Thưa Luật sư, rất nhiều doanh nghiệp hiện nay có số vốn điều lệ siêu khủng, lên đến hàng ngàn tỉ/hàng trăm ngàn tỉ đồng. Con số đó có thể hiện thực chất số vốn doanh nghiệp có không?
Hiện nay, khi đăng ký thành lập doanh nghiệp mới, các chủ thể sẽ là người tự kê khai số vốn sẽ góp vào doanh nghiệp, hay còn gọi là vốn cam kết và tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung kê khai. Vì là vốn sẽ góp (vốn cam kết góp) nên tùy theo loại hình doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp năm 2020 cho một khoảng thời gian để các chủ thể thành lập thực hiện và hoàn thành nghĩa vụ thực góp vốn vào doanh nghiệp. Sau thời gian này, trường hợp các chủ thể chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết, doanh nghiệp có quyền đăng ký thay đổi vốn điều lệ của các thành viên bằng số vốn đã thực góp.
Vì vậy, con số vốn điều lệ thể hiện khi doanh nghiệp đăng ký thành lập mới được ghi nhận trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hay Điều lệ của doanh nghiệp ban đầu không thể hiện được thực chất số vốn doanh nghiệp đó có hay năng lực của doanh nghiệp. Nếu chiếu theo quy định của pháp luật doanh nghiệp, chỉ sau thời gian góp vốn quy định đối với từng loại hình doanh nghiệp, vốn điều lệ của doanh nghiệp lúc này mới thể hiện thực chất số vốn của doanh nghiệp. Ngoài ra, mức vốn điều lệ chưa dừng lại ở đó bởi trong quá trình hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp có thể thực hiện tăng – giảm vốn điều lệ phù hợp với tình hình thực tế của doanh nghiệp.
Thực tế các doanh nghiệp không cần phải chứng minh vốn điều lệ tại bước đăng ký doanh nghiệp, nếu không xảy ra sai phạm trong quá trình hoạt động, các cơ quan quản lý chỉ thực hiện hậu kiểm thông qua một số công cụ như báo cáo tài chính, báo cáo thuế…nên việc giám sát vốn thực góp của doanh nghiệp rất khó khăn. Do đó, nhiều trường hợp không thể nhìn vào số vốn điều lệ để phản ánh số vốn thực có cũng như năng lực của một doanh nghiệp bởi có thể đó chỉ là vốn “ảo”.
- Mới đây, Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Toàn Cầu đăng ký vốn tới gần 128 ngàn tỉ đồng nhưng trụ sở chỉ là một bãi rửa xe, báo cáo tài chính cũng thể hiện doanh nghiệp gần như không có hoạt động gì sau hơn 1 năm tăng vốn. Đây có phải điều bất thường không?
Xét trong bối cảnh thực tế nước ta hiện nay thì nếu doanh nghiệp này đăng ký với số vốn lớn như vậy thì quả là một điều bất thường nhưng không bất hợp pháp. Bất thường ở chỗ số vốn của công ty này cao gấp nhiều lần so với một số tập đoàn lớn như: Vingroup, Hòa Phát, Vinamilk, Thaco,..Nhưng không hề bất hợp pháp bởi theo quy định pháp luật hiện hành, luật không quy định doanh nghiệp phải đăng ký bao nhiêu vốn tối thiểu và tối đa trừ doanh nghiệp kinh doanh những ngành nghề bắt buộc phải có vốn pháp định tối thiểu. Vậy tức là họ không vi phạm quy định của Luật Doanh nghiệp và văn bản hướng dẫn thi hành khi thành lập doanh nghiệp.
- Những doanh nghiệp được lập ra với số vốn đăng ký rất lớn, nhưng lại không hoạt động gì, thì mục đích là gì? Nó có ảnh hưởng gì tới bức tranh kinh tế chung không?
Để xác định được mục đích các doanh nghiệp được lập ra với số vốn đăng ký rất lớn nhưng không hoạt động gì, cần phải được các cơ quan chức năng xác minh và điều tra, làm rõ. Tuy nhiên, việc khai khống số vốn điều lệ của các doanh nghiệp mà không thực sự có hoạt động kinh doanh tương ứng thường nhằm những mục đích tiêu cực. Trước đây, chúng ta đã từng chứng kiến trường hợp của Công ty cổ phần Alibaba Tây Bắc TP HCM đã tăng vốn điều lệ khủng bất thường, sử dụng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với vốn điều lệ khủng để thực hiện các hành vi phạm tội hết sức nghiêm trọng.
Số liệu vốn điều lệ sai thực tế có thể khiến cho các nhà đầu tư và những chủ nợ đánh giá sai về giá trị và năng lực tài chính của doanh nghiệp đó.
Chính vì vậy, nhà đầu tư/đối tác cần hết sức thận trọng, tìm hiểu kỹ thông tin về doanh nghiệp chứ không quyết định hợp tác đơn thuần trên vốn điều lệ.
- Xin cảm ơn Luật sư!