Xử lý hơn 1.100 tỉ đồng nợ xấu
Ngày 22.9, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức họp báo thông tin về kết quả hoạt động ngân hàng quý III/2020. Tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Hồng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, công tác cơ cấu lại các tổ chức tín dụng đã đạt được những kết quả quan trọng.
Theo đó, tỉ lệ nợ xấu nội bảng tiếp tục được duy trì ở mức dưới 2%. Tính từ năm 2012 đến cuối tháng 7.2020, toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý được khoảng 1.113,7 nghìn tỉ đồng nợ xấu. Riêng trong đó 7 tháng đầu năm 2020, tổng nợ xấu được xử lý là khoảng 63,7 nghìn tỉ đồng.
Đặc biệt, từ khi Nghị quyết 42 ra đời đã hỗ trợ tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu đạt hiệu quả cao hơn, tổng số nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 được xử lý từ 15.8.2017 đến 31.5.2020 đạt trung bình khoảng 7,15 nghìn tỉ đồng/tháng, cao hơn 3,63 nghìn tỉ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình tháng từ năm 2012 - 2017 của hệ thống các tổ chức tín dụng trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực (trung bình khoảng 3,52 nghìn tỉ đồng/tháng.
Về chất lượng tín dụng đã được cải thiện rõ rệt. Các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần nâng cao chất lượng tín dụng và giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 42 bước đầu đã tạo điều kiện quan trọng trong việc xử lý nợ xấu. Tỉ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống tổ chức tín dụng tiếp tục được duy trì dưới mức 2%.
Đối với hỗ trợ tín dụng cho người dân, doanh nghiệp theo Thông tư số 01, đến ngày 14.9.2020, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 271 nghìn khách hàng với dư nợ 321 nghìn tỉ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 485 nghìn khách hàng với dư nợ 1,18 triệu tỉ đồng. Đặc biệt các tổ chức tín dụng đã cho vay mới lãi suất ưu đãi (thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch) với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt 1,6 triệu tỉ đồng cho 310 nghìn khách hàng.
Linh hoạt nhiều chính sách
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, các ngành kinh tế, dịch COVID-19 tác động mạnh đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Đối với các ngân hàng, tác động lớn nhất là cầu tín dụng rất thấp dù các tổ chức tín dụng đã đưa ra nhiều chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi, quy mô lớn, nhưng khách hàng gặp khó khăn trong trả nợ ngân hàng đúng hạn.
Với sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua, các ngân hàng thương mại triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng. Đặc biệt, tính đến 14.9.2020, thực hiện Thông tư số 01/2020, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 271 nghìn khách hàng với dư nợ 321 nghìn tỉ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 485 nghìn khách hàng với dư nợ 1,18 triệu tỉ đồng; đặc biệt các tổ chức tín dụng đã cho vay mới lãi suất ưu đãi (thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch) với doanh số lũy kế từ 23.1 đến nay đạt 1,6 triệu tỉ đồng cho 310 nghìn khách hàng.
Riêng chương trình cho vay lãi suất 0% đối với người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc quy mô 16.000 tỉ đồng theo Nghị quyết 42 của Chính phủ và Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện và đã sẵn sàng nguồn vốn 16.000 tỉ đồng để hỗ trợ cho Ngân hàng Chính sách xã hội vay. Tuy nhiên, đến nay chỉ có 1 doanh nghiệp được UBND tỉnh phê duyệt danh sách đủ điều kiện vay vốn, nhưng doanh nghiệp đã tự cân đối nguồn trả lương cho người lao động.
Theo Vụ trưởng Vụ Tín dụng, hiện nay Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang được giao đầu mối trình Chính phủ xem xét sửa một số điều kiện tại Nghị quyết 42 để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn.
Bộ Lao động thương binh xã hội cho hay, nguyên nhân doanh nghiệp chưa chủ động lập hồ sơ vay vốn, xác nhận các chế độ hỗ trợ cho người lao động do e ngại việc chứng minh khó khăn tài chính có thể ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đề cập tới định hướng điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng thời gian tới, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, cơ quan này sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát; duy trì ổn định vĩ mô, thị trường, hỗ trợ phục hồi nhanh kinh tế.
Ngoài ra, cơ quan này cũng sẽ chỉ đạo tổ chức tín dụng tiếp tục triệt để tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay tiếp sức cho nền kinh tế, đơn giản hóa quy trình thủ tục nội bộ, tạo điều kiện cho khách hàng vay mới nhưng không hạ chuẩn cho vay, đảm bảo chất lượng, an toàn tín dụng, duy trì hoạt động lành mạnh của hệ thống ngân hàng...
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, những tháng cuối năm, cơ quan này tiếp tục điều hành chính sách tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, hiệu quả, đẩy mạnh triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để khách hàng khôi phục sản xuất kinh doanh, cụ thể.